Monday, May 26, 2008

Để thông điệp của bạn được trẻ lắng nghe

Bạn có thể giảm thiểu những căng thẳng phát sinh trong việc dạy dỗ con bằng cách học cách đối thoại với trẻ một cách hiệu quả hơn.

Sau đây là một số mẹo cần lưu ý:

1. Kiểm tra xem khi bạn nói trẻ có nghe được rõ và đầy đủ những gì bạn muốn nói hay không. Bạn phải bảo đảm rằng trẻ hoàn toàn không bị phân tâm khi bạn yêu cầu hay đưa ra một hướng dẫn gì. La toáng lên từ phòng kế bên không phải là cách đối thoại đúng, bằng cách này không chỉ khiến bạn dễ dàng bị trẻ làm lơ mà còn làm cho trẻ bớt tôn trọng bạn. Chính bạn đã tước bỏ vai trò tin cậy của trẻ dành cho bạn bằng cách hét toáng lên ra lệnh cho trẻ từ phòng này sang phòng khác.

2. Nhìn thẳng vào mắt trẻ khi nói. Hãy tập thói quen nhìn sâu vào mắt trẻ trước khi bạn bắt đầu nói với trẻ một vấn đề quan trọng. Trẻ sẽ khó có thể cải bướng, làm lơ hay bảo rằng chúng không nghe những gì bạn nói nếu bạn duy trì việc nhìn vào mắt trẻ suốt buổi nói chuyện. Bằng cách này, bạn có thể dễ dàng nắm bắt những tín hiệu do dự, bất cần phản hồi từ trẻ (ví dụ như thầy trẻ cứ liếc ngang liếc dọc bồn chồn khi nghe bạn nói thì không phải là một tín hiệu tốt rồi).

3. Giữ cho thông điệp của bạn đơn giản và vào thẳng vấn đề. Nếu con của bạn còn bé và thông điệp của bạn phức tạp thì chắc chắn trẻ khó có thể nắm được những ý quan trọng. Hãy yêu cầu trẻ tóm tắt lại những gì bạn muốn nói. Nếu trẻ thiếu vài chi tiết quan trọng, bạn sẽ biết phải lặp lại ở đâu.

4. Bỏ thói quen biến những câu ra lệnh thành câu hỏi. Bạn đã mặc nhiên tước mất cái uy làm cha mẹ của mình khi thêm vào “như vậy được không con?” hay “nha con?” vào cuối những mệnh lệnh đưa ra cho trẻ. Bằng cách này, bạn biến những mệnh lệnh thành câu hỏi. Nếu bạn nói với trẻ rằng “Đi ngủ nha con?” bạn tự nhiên hỏi ý kiến trẻ trong việc đưa trẻ đi ngủ!

5. Cẩn thận cái bẫy “tại sao”. Không có gì sai trong việc giải thích ngắn gọn cho trẻ khi bạn đưa ra những quyết định trong việc cho phép trẻ làm việc này hay việc khác. Tuy nhiên, khi bạn bị trẻ dẫn dắt vào những cách giải thích lòng vòng thì cũng là lúc bạn mất cảnh giác trong việc nghĩ xem trẻ có động cơ gì đằng sau những câu hỏi này.

Khi trẻ cứ hỏi bạn tới tấp lý do tại sao không cho phép bọn trẻ đến dự sinh nhật và ngủ lại đêm, chính là lúc trẻ hi vọng tìm ra một lỗi trong cách lý luận của bạn và buộc bạn phải chấp nhận yêu cầu của trẻ. Vâng, thưa các bậc cha mẹ đáng quí, quá nhiều thông tin không phải lúc nào cũng tốt đâu

6. Lưu ý đến ngôn ngữ hành vi của bạn. Hãy bảo đảm rằng ngôn ngữ cơ thể của bạn khẳng định thêm thông điệp của bạn thay vì phản bội bạn. Nếu bạn tỏ vẻ áy náy thay vì tự tin trong một quyết định nào đó đối với trẻ, bạn có nhiều khả năng đang tự đánh mất “cái uy” trong việc làm cha mẹ của mình và mở cửa luôn tuồn cho những căng thẳng hỗn hào xảy ra.

7. Hãy tỏ ra tôn trọng và lịch sự đối với trẻ. Đừng phạm sai lầm bằng cách dùng giọng điệu nạt nộ với hi vọng rằng bằng cách này bạn sẽ tỏ ra có uy hơn và ngăn ngừa những căng thẳng có thể xảy ra. Không chỉ việc tôn trọng và lịch sự đối với trẻ làm bạn thêm điểm trong mắt trẻ mà còn khiến bạn trở thành hình mẫu cho trẻ noi theo.

8. Viết những lưu ý ngắn hay dùng hình ảnh để đối thoại những thông điệp nhắc nhở quan trọng. Nếu con bạn than rằng bạn suốt ngày càm ràm và ca cẩm về một việc nào đó, bạn có thể chuyển sang sử dụng những lưu ý, lên danh sách các việc phải làm hay hình ảnh (cho những trẻ còn quá nhỏ để đọc) để nhắc nhở trẻ những nhiệm vụ quan trọng phải làm theo.

Chẳng hạn như, bạn “luôn” phải nhắc trẻ đem quần áo dơ để vào rổ thay vì vứt bừa trong phòng tắm, tại sao bạn không thử dán một lưu ý ngay trong phòng tắm thay vì cứ theo dõi và ca cẩm về điều này. Bằng cách này, không chỉ bạn giúp trẻ thoát khỏi cảnh nghe bạn ca cẩm mà chính bạn cũng không cần phải nói đi nói lại hoài.

9. Đưa ra những qui định chung trong gia đình. Nếu vẫn còn nhiều bất đồng về những qui định chung trong nhà, hãy viết ra những qui định này và dán ở đâu đó mà cả nhà đều thấy - như trước cửa tủ lạnh. Đây là cách giảm thiểu việc phải nhắc đi nhắc lại những qui định chung, một việc thường gây bực bội cho cả nhà.

10. Từ chối việc quát tháo và cãi tay đôi với trẻ. Nếu con bạn bắt đầu la lối với bạn vì chúng phật ý, trả lời bằng cách giữ bình tĩnh, giọng nói trầm. Cách này có thể khiến trẻ lấy lại tự chủ. Nếu trẻ tiếp tục la lối, hãy cho trẻ biết rằng bạn không thích tiếp tục cuộc nói chuyện chừng nào mà trẻ còn la lối om sòm như vậy và bạn không nói chuyện với trẻ nữa cho đến khi nào trẻ lấy lại được tự chủ.

LẠI TÚ QUỲNH dịch

No comments: