Friday, July 1, 2011

Giới thiệu sách hay: Nói với trẻ như thế nào

Post lại bài viết từ tháng 8/2008.


Đây là một quyển sách mà đọc xong mình hết sức tâm đắc. Đoán thế nào cũng phải có bản gốc tiếng Anh, nhưng trong sách hoàn toàn không có lấy một câu giới thiệu về tác giả. Thật là bực mình, chắc là sách Việt Nam dịch trộm đây mà. Nhưng phải công nhận người dịch (Phạm Anh Tuấn) dịch rất tốt. Mò mẫm trên mạng mất một lúc lâu mới tìm ra nguyên bản tiếng Anh: "How to talk so kids can learn -- at home and in school", tác giả Adele Faber và Elaine Mazlish. Đầu đề tiếng Việt là "Nói với trẻ như thế nào? - Những trải nghiệm thú vị của người "gõ đầu trẻ"", làm sao mà tìm ra đây? Hôm sau mình chạy ra cửa hàng sách, không tìm được quyển này, nhưng lại thấy "How to Talk So Kids Will Listen & Listen So Kids Will Talk", xem qua thấy cấu trúc khá giống nên mua về. Phải nói là mình rất tâm đắc với cả 2 quyển, quyển thứ nhất để áp dụng trong môi trường sư phạm, quyển thứ hai để áp dụng trong gia đình. Cái hay nhất mình thấy là hầu hết tất cả các nguyên tắc được nêu ra đều có thể áp dụng cho bất cứ ai chứ không riêng gì chỉ cho trẻ con. Tóm lược lại các nguyên tắc như sau nhé:

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Trẻ em cần được người khác công nhận và tôn trọng cảm xúc của chúng.
Trẻ: Chỉ có vài lỗi nhỏ mà con bị điểm kém trong bài thi vừa rồi
Người lớn: Không sao đâu, con đừng lo lắng. Lần sau con sẽ làm tốt hơn.

Vậy là người lớn đã gạt bỏ cảm xúc của trẻ rồi. Sau câu nói trên trẻ không những không còn gì để nói thêm mà vẫn giữ trong lòng cảm giác nặng nề vì bị điểm kém kèm với sự lo lắng, thế nhỡ lần sau mình vẫn làm kém thì sao, bố mẹ có mắng mình không?

Thay vì gạt bỏ cảm xúc của trẻ, bạn hãy công nhận nó "Chắc là con thất vọng lắm. Con biết câu trả lời nhưng lại bị mất điểm vì những lỗi nhỏ nhặt". Như vậy là bạn khuyến khích trẻ giãi bày thêm. Hãy lắng nghe tâm sự của trẻ và biểu lộ sự chú ý bằng những câu ngắn gọn như "À", "Ừ", "Thế à", "Mẹ hiểu rồi", ...

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Cách khuyến khích trẻ cộng tác
Người lớn: Ai làm cả cái phòng này bừa bộn như thế này?

Thay vì tra hỏi và chỉ trích, bạn có thể mô tả vấn đề "Mẹ thấy quần áo đồ chơi trên giường và cả dưới đất nữa". Hãy đưa ra thông tin "Quần áo ở dưới đất mà bị giẫm lên thì sẽ nhàu nát và bẩn hết đấy". Hãy đưa ra sự lựa chọn "Con có thể dọn dẹp phòng luôn bây giờ hoặc là để ăn cơm tối xong". Hãy diễn tả cảm xúc của bạn "Mẹ không thích nhìn thấy phòng ngủ bừa bộn đâu".

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Những cách thay cho sự trừng phạt
Người lớn: Mẹ đã bảo là con đừng có chạy lung tung trong siêu thị nữa cơ mà. Tối về mẹ mách với bố bố sẽ phạt con đấy. Con hư như thế tối nay mẹ không cho con xem TV nữa...

Thay vì mắng mỏ và dọa nạt, bạn hãy chỉ ra một cách làm tốt hơn "Hay là con chọn cho mẹ 3 quả chanh thật to nhé". Bạn hãy thể hiện sự không vừa ý của mình (nhưng không đàn áp) "Mẹ rất không vừa lòng. Con chạy đi chạy lại như vậy làm phiền tới mọi người trong siêu thị đấy". Bạn có thể cho trẻ sự lựa chọn "Con chọn đi nhé: một là con ngồi yên trong xe đẩy, hai là con đi lại từ tốn bên cạnh mẹ". Bạn cũng có thể để trẻ lãnh nhận hậu quả của thái độ sai trái ấy "Hôm nay con ở nhà, không đi chợ với mẹ nữa. Con có biết lý do tại sao hay không?"

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Khuyến khích tính tự lập
- Hãy để trẻ tự lựa chọn "Hôm nay con thích mặc áo màu xanh hay áo màu đỏ?".
- Đừng quá nhanh chóng trả lời tất cả các câu hỏi của trẻ "Câu hỏi của con hay đấy. Thế con thì nghĩ thế nào?"
- Khuyến khích trẻ tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài "Hay là con thử hỏi bác nha sĩ xem bác ấy bảo sao về chuyện nhai kẹo cao su"

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Cách khen ngợi trẻ
Trẻ: Mẹ ơi, con làm thơ về cái tàu hỏa này, mẹ thấy có hay không?
Người lớn: Hay quá! Con sẽ trở thành nhà thơ nổi tiếng đấy!

Thay vì đánh giá, bạn hãy mô tả điều bạn thấy hoặc nghe "Con diễn tả được nhịp điệu xình xịch của tàu hỏa, biết dùng từ vần hợp với nhau"; hãy mô tả cảm xúc của bạn "Bài thơ khiến mẹ có cảm tưởng đang ngồi trên tàu hỏa đi qua khu rừng xanh"

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Cách phê bình trẻ
Người lớn: Con viết sai lỗi chính tả rồi. Con phải cẩn thận chứ.

Thay vì chê trách, bạn hãy chỉ ra điều cần phải làm "bài thơ của con chỉ cần sửa lỗi chính tả từ "toa se" và "hàng háo" là có thể đăng trên báo tường rồi"

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Giải phóng trẻ khỏi những ấn tượng do người khác áp đặt
Người lớn: Con là "con vẹt", không ai tranh nói kịp với con cả.

Thay vì gây ấn tượng, bạn hãy tìm cơ hội giúp trẻ thấy khía cạnh tốt đẹp của mình "Dù con còn nhiều điều muốn nói nhưng con biết ngưng lại để nhường cho người khác, vậy là con biết cách tự chủ đấy". Bạn hãy đặt trẻ vào tình huống khách quan để trẻ nhìn rõ về mình "Mẹ muốn con làm người điều khiển chương trình và giúp mọi người có cơ hội phát biểu nhé". Bạn hãy để trẻ nghe bạn nói tốt về trẻ "Tâm có nhiều ý kiến hay lắm nên khó mà im lặng được, thế mà chú thấy bạn ấy vẫn giữ im lặng đấy!"

*******************************************************************************
Trên đây chỉ là một số rất ít mẫu các cách xử lý tình huống thôi. Những quyển như thế này phải đọc đi đọc lại mới nhớ mà thực hành được.

2 comments:

Unknown said...

cha`o ban, (sorry may minh dang gap truc trac ko go~ co' da^'u dc),
Minh rat thich blog ban, minh chi moi vao xem vai tieu de thoi, nhung thay rat hay. Minh dang hoc Cao dang Mam non, hong biet co cu`ng nga`nh voi ban hong nhi?

Mẹ Trẻ Con said...

Cảm ơn bạn đã ghé thăm :) Ngành học của mình chả dính dáng gì đến giáo dục trẻ con cả, vì mình có 1 bé con nên thích sưu tầm cho bé mà thôi. Rất mong sẽ được học hỏi nhiều điều từ bạn, một cô giáo tương lai :)