Thursday, July 14, 2011

Giới thiệu sách hay: Cha Mẹ Giỏi, Con Thông Minh

 Bài này tớ viết lâu rồi nhưng giờ post lại vào đây cho tập trung nhé.

Tớ đọc được một phần khá hay về kỹ thuật nói chuyện với con từ quyển Cha Mẹ Giỏi, Con Thông Minh (Thinking Parent, Thinking Child của Myrna B. Shure) nên muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh.

Xét một tình huống như sau, hai bạn Mai và Lan cãi nhau gay gắt vì bộ đồ chơi nặn hình.

Lan: Đây là bột nặn của con, thế mà bạn Mai đòi lấy hết
Mai: Con chỉ lấy có mỗi một tẹo, Lan chẳng bao giờ chia sẻ cái gì hết, trong khi con có cái gì cũng chia cho bạn ấy.

Các bậc phụ huynh thường sẽ hành động theo một trong ba phương pháp như sau.

1. Phương pháp quyền lực:

“Đưa hết chỗ bột nặn đây cho mẹ. Nếu hai con không nhường nhau, mẹ sẽ cất đi và sẽ chẳng đừa nào có đất sét hết”.
“Lan, con không được ích kỷ như vậy”.
“Hai đứa mỗi đứa đi vào phòng mình đóng cửa lại tự suy nghĩ, không chơi bời gì nữa”.

Nghe cũng quen quen nhỉ hehe

Phương pháp này đã bỏ qua một phần cực kỳ quan trọng trong tình huống trên, đó là bản thân hai bạn Lan và Mai. Các bạn cảm thấy thế nào? Chắc chắn là vẫn giận dữ và bực tức như lúc trận chiến mới bắt đầu. Ko chỉ vậy, các bạn còn không học được cách tự mình giải quyết vấn đề. Điều này rất dễ đồng nghĩa với việc khi thời gian cách ly đã hết, các bạn lại cãi nhau về bộ bột nặn, hoặc về một thứ khác. Điều nguy hiểm trong phương pháp này là dần dần, trẻ con sẽ bị cảm thấy bị chế ngự.

2. Phương pháp gợi ý:

“Con nên hỏi xin bạn Mai cho con chơi cùng với đi”
“Con nên chia sẻ đồ chơi của con với Lan đi”

3. Phương pháp giải thích

“Nếu hai con không học cách chia sẻ, sẽ không có ai chơi với các con nữa, và các con sẽ không có ai làm bạn cả”.

Mấy câu này nghe cũng quen không kém

Cả hai phương pháp 2 và 3 đều dựa trên giả sử rằng các bạn hiểu được việc mình làm có tác động làm tổn thương bản thân và người khác. Phương pháp 3 thường đi đôi với thông điệp “Mẹ“, ví dụ “Mẹ không muốn/không thích nghe con cãi nhau với bạn như vậy“.

Phương pháp 2 và 3 tuy có hiệu quả tích cực hơn là phương pháp 1, nhưng trong cả 3 phương pháp trên các bậc phụ huynh đều nghĩ “hộ” con mình. Thay vì yêu cầu các con tự mình giải quyết vấn đề, họ độc thoại một chiều. Như vậy là đang “bảo”, chứ không phải đang “trò chuyện” với con. Rất có khả năng các bạn nghe tai từ tai này lọt qua tai kia. Mà cuối cùng, các phụ huynh vẫn sẽ phát cáu vì con mình ko nghe lời.

4. Phương pháp trò chuyện

Phương pháp này giải quyết được cả mong muốn lẫn khả năng dễ bị tổn thương của cả cha mẹ và con cái. Đặt lại tình huống như sau:

Lan: Đây là bột nặn của con, thế mà bạn Mai đòi lấy hết
Mai: Con chỉ lấy có mỗi một tẹo, Lan chẳng bao giờ chia sẻ cái gì hết, trong khi con có cái gì cũng chia cho bạn ấy.
Mẹ: Lan, hai bạn đang cãi nhau đấy. Bây giờ con cảm thấy thế nào?
Lan: Con giận lắm rồi đấy.
Mẹ: Mai, con cảm thấy thế nào?
Mai: Con cũng cáu lắm rồi đấy. Lan ích kỷ, ko bao giờ chịu chia sẻ gì cả.
Mẹ: Ừ, cãi nhau cũng là một cách để giải quyết vấn đề rắc rối này. Vậy con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?
Lan: Bọn con sẽ đánh nhau.
Mẹ: Hai bạn thử nghĩ xem có cách nào khác để giải quyết vấn đề này ko, để cả hai đều ko phải đánh nhau và không thấy bực mình nữa?
Mai (suy nghĩ): Con có thể lấy bột nặn màu đỏ, còn cho Lan lấy màu xanh, sau đó thì bọn con sẽ đổi cho nhau.
Mẹ: Lan, như vậy có được không?
Lan: Thôi được, thế thì con sẽ nặn quả táo xanh.
Mai: Con sẽ nặn quả táo đỏ.

Người mẹ ở đây không hề nói tới các bạn, thay vào đó mẹ chỉ đặt câu hỏi. Kỹ thuật này ko chỉ giúp 2 bạn tự giải quyết vấn đề, mà con giúp người mẹ hiểu được vấn đề là gì, xét trên quan điểm của các bạn. Nó cũng cho Mai cơ hội thể hiện cảm xúc của mình rất bực vì thường ngày vẫn chia mọi thứ cho Lan mà Lan ko thèm chia lại. “Khác” là một keyword trong kỹ thuật trò chuyện.

Đương nhiên sự thực thì chưa chắc các bạn nhí này sẽ giải quyết theo y sách đâu, nhưng cũng là một phương pháp khá hay để tham khảo và thử áp dụng.

No comments: