Monday, December 8, 2014

Trí tuệ xã hội cho trẻ nhỏ

Cha mẹ nào cũng biết dạy con kỹ năng xã hội là điều không dễ dàng gì. Lý do là mặc dù trẻ muốn có được sự tương tác vui vẻ và thân thiện với người khác nhưng điều đó lại bị ngăn trở bởi sự e sợ và mong muốn của chúng. Chúng không ngừng tự hỏi: Liệu đứa bé kia có lấy đồ chơi của mình không? Liệu mình có được vào ngồi trong xe tải trước bạn kia không? Nếu mình đẩy bạn kia và phóng đi, liệu mình có bị sao không?
Vì thế bước đầu tiên trong việc giúp trẻ phát triển trí tuệ xã hội là giúp chúng học cách kiềm chế cảm xúc của mình, vì đây chính là nền tảng của các mối quan hệ giữa người với người. Thứ hai là giúp chúng nuôi dưỡng sự đồng cảm với người khác. Thứ ba là giúp chúng học cách thỏa hiệp, trong đó có thể hiện mong muốn của mình mà không công kích người khác.
Những kỹ năng này, đối với hạnh phúc trong cuộc đời của chúng, còn quan trọng hơn so với những thành công trên con đường học vấn, tài chính hoặc bất kỳ một thước đo truyền thống nào khác. Trên thực tế, trí tuệ cảm xúc – được định nghĩa là khả năng kiểm soát cảm xúc của mình và tương tác tốt với người khác – sẽ là một yếu tố quyết định trong suốt cuộc đời của trẻ, trong thành công ở con đường học thuật hay trong sự nghiệp, có thể còn quan trọng hơn chỉ số IQ.
Vậy bạn sẽ làm thế nào để khiến trẻ bắt đầu học các kỹ năng xã hội? Hay ít nhất là ngăn không cho chúng đánh nhau với những đứa trẻ khác trong nhóm?

1. Đồng cảm, Đồng cảm, Đồng cảm.  Những đứa trẻ nhận được nhiều sự đồng cảm với cảm xúc của mình từ người lớn sẽ là những đứa trẻ có khả năng đồng cảm với người khác sớm nhất, và các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự đồng cảm với người khác chính là nền tảng của các mối quan hệ thành công giữa con người với nhau.

2. Đừng bắt trẻ phải chia sẻ; vì thực tế việc này sẽ làm chậm sự phát triển các kỹ năng chia sẻ. Trẻ cần phải cảm thấy an toàn trong quyền sở hữu của chúng trước khi có thể chia sẻ. Thay vào đó, hãy cho trẻ tiếp cận dần với khái niệm “sử dụng lần lượt”. (“Đến lượt Sophia dùng cái xô này. Sau đó đến lượt con. Bố/mẹ sẽ giúp con chờ.”)

3. Để trẻ quyết định lượt chơi của mình kéo dài bao lâu. Nếu trẻ nghĩ đồ chơi của chúng sẽ bị bạn lấy mất một khi khoảng thời gian mà người lớn cho là “đủ lâu” qua đi, thì bạn đang minh họa cho hành vi tước đoạt và trẻ thường muốn chiếm hữu đồ chơi lâu hơn. Nếu trẻ được tự do dùng đồ chơi đó bao lâu tùy thích thì trẻ có thể hoàn toàn thích thú và sau đó nhường cho người khác một cách tự nguyện. Nếu có trẻ lúc nào cũng dùng đúng đồ chơi đó, bạn có thể giải quyết bằng cách mua một đồ chơi y hệt nếu đó là thứ dễ mua, hoặc phân lượt theo từng lần đến chơi.

4. Giúp con bạn chờ đến lượt mình. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu khi phải chờ đến lượt mình, thì đó là dấu hiệu cho thấy trẻ có cảm xúc dồn nén cần được giải tỏa và đang tận dụng cơ hội này. Trẻ thường tỏ ra cố chấp về việc giữ đồ của mình nhằm nỗ lực khôi phục trạng thái cân bằng mong manh của chúng – cũng như người lớn chúng ta! Hãy tỏ ra đồng cảm: Chờ đợi đúng là rất khó khăn…Ước gì bây giờ con được chơi với cái xô…” và ôm trẻ khi trẻ khóc. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy sau khi “thể hiện” ra trước mắt bạn những cảm xúc dồn nén đó, trẻ có thể sẽ không còn quan tâm đến món đồ chơi mà trước đó rất muốn có, và sẽ vui vẻ quên đi ngay.

5. Can thiệp khi thấy hành động tước đoạt ép buộc.  Đôi khi trẻ lấy đồ của nhau nhưng đứa trẻ bị lấy đồ cũng không quan tâm. Vì thế đừng vội vàng can thiệp. Thay vào đó hãy quan sát. Liệu đứa trẻ đó có cảm thấy khó chịu? Thậm chí nếu đứa trẻ đó không tỏ ra khó chịu, nhưng đứa trẻ kia cứ liên tục giật đồ chơi của người khác, thì có lẽ bạn cần phải can thiệp. Thường thì trẻ sẽ cố giằng lấy bất kỳ thứ gì mà đứa khác có, sau đó thả xuống đất và tiếp tục tìm cách giằng lấy cái khác để xoa dịu cảm xúc không thoải mái của mình. Lúc đó chúng cần được trợ giúp để giải tỏa các cảm xúc đó.

Vì vậy hãy vận dụng hết lòng thương cảm của bạn, đặt tay lên món đồ chơi đang bị tranh giành và nói “Cháu muốn chơi với cái xe này à?” sau đó quay sang đứa trẻ đang chơi với chiếc xe đó. “Cháu để bạn chơi có được không?” Nếu được thì thật tuyệt. Bạn không phải trở thành người phân định sự công bằng nữa. Nếu không, hãy nói “Cole vẫn đang chơi cháu ạ…Cole, cháu sẽ đưa chiếc xe cho Trevon khi chơi xong chứ? Tốt rồi, cảm ơn cháu! Trevon, ta hãy cũng tìm thứ khác để chơi xem nào… Cháu có muốn dùng máy xúc tuyết để làm một con đường cho xe tải không?” Lúc đó trẻ có thể vẫn thấy chán nản và thất vọng, đặc biệt là nếu lúc trước trẻ đang cố giằng lấy đồ chơi để giữ mình bình tĩnh. Hãy dỗ dành và giúp trẻ vượt qua nỗi thất vọng. Sau đó, trẻ sẽ cảm thấy khá hơn và không cần phải giằng đồ chơi của người khác nữa.

6. Dạy trẻ biết quyết đoán khi cần thiết.   Nếu con bạn thường để những đứa trẻ khác cướp mất đồ chơi và sau đó tỏ ra buồn chán, hãy nói “Con không tự nguyện đưa bạn món đồ chơi đó, đúng không? Con có thể nói ‘Tớ vẫn đang chơi mà’”. Hãy thực hành việc này ở nhà với con, và thử làm mẫu với gấu bông chẳng hạn.

7. Thay vì khuyến khích trẻ chia sẻ một cách mơ hồ, hãy giúp trẻ khám phá những điều tuyệt vời khi chia sẻ. Các nghiên cứu cho thấy khi chúng ta khuyến khích chia sẻ, trẻ sẽ làm điều đó nhiều hơn – nhưng chỉ khi chúng ở trong tầm mắt của ta mà thôi! Khi ta không ở đó, chúng sẽ ít chia sẻ hơn nhiều, vì sự khuyến khích chẳng đem lại cho chúng lý do gì để chia sẻ cả ngoại trừ khoảnh khắc nhận được sự chú ý từ chúng ta. Thay vì thế, từ giờ hãy cho trẻ quyền được lựa chọn có chia sẻ hay không bằng cách giúp trẻ thấy được tác động từ sự lựa chọn ấy: “Xem Michael vui thế nào khi cậu ấy được chơi với đoàn tàu của con kìa.” Khi bạn áp dụng quy định để trẻ quyết định lượt chơi một món đồ của mình kéo dài bao lâu tùy thích, chúng sẽ vui vẻ nhường những món đồ chơi hấp dẫn cho những đứa trẻ khác vào cuối lượt chơi của mình. Chúng sẽ được trải nghiệm cảm giác cho đi tuyệt vời thế nào. Vì vậy để trẻ tự kiểm soát lượt chơi của mình là cách tốt nhất để cổ vũ hành động chia sẻ và sự rộng lượng.
 
8. Hãy theo sát trẻ khi tham gia các nhóm cùng chơi. Nhiều trẻ đánh nhau khi tương tác xã hội vì chúng bị choáng ngợp và không biết phải làm gì khác. Nếu bạn ở đó, bạn có thể nói “Đúng thế, Ryan đã lấy chiếc giỏ của con…Con có đồng ý không? Không à? Thế thì con có thể nói ‘Giỏ của tớ chứ’” Nếu trẻ biết bạn luôn ở đó để hỗ trợ chúng, việc đánh nhau chắc chắn sẽ không trở thành thói quen.

9. Trước khi có bạn đến chơi, trẻ cần được phép cất đi những thứ đồ chơi đặc biệt nhất của mình nếu chúng không muốn những đứa trẻ khác động vào. Hãy coi dịp này như một cơ hội để giải thích rằng những đứa trẻ sắp đến tất nhiên sẽ rất muốn chơi với những đồ chơi khác của con bạn, cũng như con bạn muốn chơi với đồ chơi của những đứa trẻ đó khi đến nhà chúng.

10. Đặt ra những giới hạn rõ ràng khi xảy ra va chạm. “Con có thể tức giận đến mức nào cũng được. VÀ chúng ta không đánh nhau. Lại đây, con hãy nói cho Henry biết con tức giận đến mức nào; Mẹ sẽ giúp con. Con có thể hét KHÔNG và giậm chân mạnh thế nào tùy thích. Con cũng có thể hét lên gọi MẸ! và mẹ sẽ luôn giúp con. Nhưng không được đánh nhau hoặc cắn.” Trẻ có toàn quyền đối với cảm xúc của mình, nghĩa là được thể hiện ra theo cách của một người bình thường, cũng như chân và tay của chúng ta. Nhưng tất cả mọi người, kể cả những đứa trẻ, cần phải chịu trách nhiệm cho những gì mình gây ra với tay, chân và cảm xúc của mình. Trách nhiệm của cha mẹ là dạy chúng những biện pháp tự kiểm soát đúng đắn mà không phải dùng các hình phạt, vì điều đó chỉ khiến trẻ thêm hung hăng mà thôi.

11. Không bao giờ là quá sớm để trẻ nói lên cảm xúc của mình. Gọi tên cảm xúc là bước đầu tiên trong năng lực của não bộ nhằm xử lý cảm xúc đó bằng lời chứ không phải bằng chân tay. “Tiếng chó sủa thật đáng sợ, nhưng ở phía này của hàng rào thì con an toàn rồi và bố/mẹ sẽ không để nó làm hại con đâu. Con không cần phải sợ.” “Thật là bực mình khi con mất bao nhiêu công xây cái tháp và giờ nó đổ sụp xuống như thế này. Con tức giận cũng phải.” Nhưng cũng có ngoại lệ khi con bạn gặp phải một cảm xúc mạnh mẽ, khi ấy lời nói (nếu quá nhiều) có thể chuyển cảm xúc đó khỏi trái tim và hướng về lý trí. Vào những lúc như vậy, hãy trấn an con bạn rằng mình luôn an toàn, và để dành những lời lẽ dông dài đến lúc trẻ đã bình tĩnh lại.

12. Hãy nhớ rằng bên dưới cơn giận thường là sự tổn thương hoặc sợ hãi. Nhận thức được những cảm xúc đó luôn là cách làm nguôi giận hiệu quả hơn so với đơn giản chỉ nhận thức được cơn giận, và điều này nhiều khi lại làm cơn giận bùng lên. “Bố/Mẹ biết rằng con rất giận Jimmy. Không hiểu là bây giờ khi anh con muốn chơi với người khác thì con có bị tổn thương không”. Điều này thậm chí còn quan trọng hơn việc trẻ nói “Con ghét anh ý!” vì ghét không phải là một cảm xúc; mà là một thái độ. “Con thấy giận anh trai mình đến nỗi con cảm thấy như mình ghét anh. Đôi khi lúc ta cực kỳ tức giận, ta cảm thấy như vậy, thậm chí đối với những người mà chúng ta yêu quý. Hãy nói cho anh con biết con cảm thấy bị tổn thương như thế nào khi bị anh con đẩy khỏi xích đu, và cho anh ấy biết việc đó khiến con tức giận ra sao.”

13. Làm gương cho trẻ về nỗ lực vượt qua khó khăn. Chẳng hạn khi trẻ giận dữ với bạn của chúng, bạn có thể nói “Bố/Mẹ biết bây giờ con rất giận Maria, nhưng bạn bè đôi khi giận nhau và họ cần phải giải quyết cùng nhau. Khi nào con sẵn sàng, ta sẽ cùng nói về việc con giải quyết vấn đề này với Maria thế nào nhé.”

14. Bắt đầu cho trẻ làm quen với khái niệm nhận biết cảm xúc của người khác ngay khi có thể. “Hãy nhìn William kìa. Cậu ấy đang khóc. Bố/Mẹ nghĩ con đã làm bạn ấy buồn đấy”. “Cô gái nhỏ ấy chắc chắn là đang giận dữ. Không hiểu vì sao nhỉ?” “Imani đang bị đau. Không biết chúng ta có thể làm gì để giúp bạn ấy thấy khá hơn nhỉ?”

15. Giữ bình tĩnh.  Nghiên cứu cho thấy một trong những điều quan trọng nhất mà cha mẹ có thể làm để giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc của chúng là bản thân họ phải bình tĩnh. Trẻ cần phải trải nghiệm chính cha mẹ mình như một “môi trường an toàn” – một bến đỗ an toàn trong cơn bão do các cảm xúc khuấy động gây nên. Nếu bạn có thể giữ mình bình tĩnh, và xoa dịu con mình, thì rốt quộc trẻ sẽ học được cách tự xoa dịu bản thân, và đây cũng là bước đầu tiên trong quá trình học cách kiểm soát cảm xúc.

16. Luôn nhớ rằng chúng là trẻ con. Chỉ vì James cắn một bạn chơi cùng không có nghĩa rằng cậu ta sẽ trở thành một kẻ sát nhân. Điều quan trọng là không được phép để những hành vi xấu xảy ra với trẻ, nhưng cũng không có nghĩa là bạn không cần tỏ ra là mình hiểu chuyện – và sự tự tin mà con bạn có thể học hỏi. “Mọi đứa trẻ đều có lúc giận bạn mình. Khi con lớn, sẽ dễ hơn khi phải nhớ luôn kiềm chế bản thân lúc con tức giận, để có thể giải quyết mọi chuyện.” Trẻ cần được nghe từ chính bạn rằng chúng không phải là người xấu, chỉ chưa trưởng thành mà thôi.

Dịch từ nguyên bản tiếng Anh Social Intelligence for Toddlers

Bài viết này thuộc bản quyền của Chuyện Trẻ Con với giấy phép Creative Commons Attribution-Noncommercial 3.0 License. Nội dung các bài viết và hình ảnh của  Chuyện Trẻ Con  chỉ được sử dụng với mục đích phi lợi nhuận. Nghiêm cấm sao chép với mục đích tư lợi mà không được sự cho phép của tác giả.  Tất cả các trích dẫn lấy từ  Chuyện Trẻ Con  đều phải được ghi rõ nguồn gốc và link kèm theo.