Tuesday, November 18, 2014

Giới thiệu về vòng hổ phách dành cho trẻ em

Đeo vòng làm bằng hạt hổ phách Baltic là một cách thức truyền thống trong nhiều thế kỷ nay tại Châu Âu, đặc biệt là các dân tộc sống ở vùng ven biển Baltic, nhằm giúp các bé giảm đau, sốt và các triệu chứng khó chịu khác khi mọc răng. Trong những năm gần đây, với xu thế ưa chuộng các sản phẩm tự nhiên thay thế cho các loại thuốc sử dụng hoạt chất hoá học, cách thức này đã được du nhập và phổ biến cả ở Hoa Kỳ và các nước khác ở Châu Mỹ.

Hổ phách là gì?

Hổ phách là nhựa thông thời tiền sử được hóa thạch trong quá trình khoảng 5 triệu năm, thường có màu vàng sáng (còn được gọi là màu nắng). Đây là một loại đá quý có nhiều màu sắc khác nhau như da cam, đỏ (còn gọi là màu mật ong), nâu (còn gọi là màu cônhắc), đen, hiếm khi còn thấy có màu trắng.

Hổ phách chủ yếu được tìm thấy chủ yếu ở nơi có nhiều thực vật Họ Lá kim, đó là vùng Biển Baltic. Đặc biệt là có một mỏ hổ phách rất lớn được phát hiện ở Kaliningrad trong những năm gần đây. Ngoài ra, hổ phách cũng có ở một số nơi khác trên thế giới, nhưng trữ lượng không đáng kể.

Tác dụng của hổ phách tự nhiên

Từ xa xưa, ở vùng bờ biển Baltic, người ta đã dùng vòng hổ phách như một phương tiện giảm đau, hồi phục sức khoẻ và kích thích hệ miễn dịch. Tác dụng giảm đau và chống viêm đã làm cho hổ phách trở thành một sản phẩm vi lượng đồng căn tự nhiên lý tưởng để trị bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em. Nhiều nguồn tài liệu cho rằng hổ phách là đá quý đầu tiên được con người sử dụng vừa làm đồ trang sức vừa chữa bệnh. Đã có nhiều huyền thoại thần bí và kỳ diệu về công dụng của loại đá quý này.

Tuy nhiên, những tính năng quý báu của hổ phách đã dần dần được khoa học làm sáng tỏ. Đầu tiên, Robert Cohom, nhà bác học tiên phong ngành vi trùng học hiện đại (giải Nobel năm 1886) đã phân tích được một loại hoạt chất trong hổ phách Baltic và chứng minh được các tác dụng tích cực của hoạt chất này lên cơ thể con người như củng cố sức khoẻ, cải thiện hệ miễn dịch, kích hoạt các quá trình năng lượng, cân bằng acid. Tới khoảng những 1930 và 1940, các chuyên gia hoá sinh học đã tiếp tục phát hiện được rằng hoạt chất nói trên chính là acid succinic (dân gian gọi là axit hổ phách, hoặc dầu hổ phách), là một loại acid amin tự nhiên có tác dụng kích hoạt sự hô hấp của tế bào, cải thiện quá trình chuyển hoá các chất bột đường, chất béo và chất đạm thành năng lượng. Trên cơ sở đó, các nghiên cứu tiếp tục sau này đã chứng minh nhiều ưu điểm nữa của hổ phách như có tính kháng khuẩn, làm giảm độ axit trong cơ thể, ảnh hưởng tích cực lên tuyến giáp, lá lách, tim, giảm khả năng ung thư do hút thuốc, giảm viêm họng, đau đầu, đau mắt, tạo sảng khoái, giảm tác động của thay đổi thời tiết, bão từ, ngăn ngừa tác dụng xấu của các thiết bị điện tử như máy tính, tivi, điện thoại di động, lò vi sóng, v.v., cải thiện sức khoẻ con người hiện đại vốn đang bị suy yếu do cuộc sống căng thẳng và các điều kiện sinh thái bất lợi. Acid succinic ngày nay đã được bào chế dưới dạng thuốc và được lưu hành trên thị trường các nước Phương Tây.

Riêng đối với trẻ em đang trong thời kỳ mọc răng, tác dụng của hổ phách được biểu hiện khá rõ ràng và cụ thể trong việc làm giảm các triệu chứng như sưng lợi, đau, nôn trớ, tiết nhiều rãi, sốt và các cảm giác khó chịu khác, giúp bé chịu đựng quá trình mọc răng một cách nhẹ nhàng mà không phải dùng đến các loại thuốc giảm đau giảm sốt vốn có nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

Ngay sau khi đeo vào cổ bé, một lượng nhỏ chất này bắt đầu được thấm qua da vào cơ thể của bé và tạo ra các tác động nói trên.

Độ an toàn của vòng hổ phách cho trẻ em

Vòng trẻ em được làm bằng hổ phách thiên nhiên từ vùng bờ biển Baltic. Để sử dụng riêng cho trẻ em, người ta sản xuất loại vòng đeo cổ được kết bằng các hạt hổ phách tròn và được mài nhẵn mịn, thuận tiện và an toàn khi tiếp xúc với làn da mỏng manh của các bé, đồng thời cũng tạo diện tích tiếp xúc lớn nhất với da bé để dầu hổ phách dễ thẩm thấu qua. Khác với các loại vòng trang sức thông thường cho người lớn, vòng hổ phách cho trẻ em được kết theo một cách thức đặc biệt để đảm bảo an toàn cho bé. Dây để kết vòng là loại chỉ làm từ tơ tằm, rất dai và chắc chắn. Không những thế, trước và sau mỗi hạt hổ phách đều có nút thắt để trong trường hợp chẳng may vòng bị đứt thì chỉ có 1 hạt bị rơi ra, còn các hạt khác vẫn được giữ chặt trong vòng. Một điểm khác nữa so với các loại vòng thông thường, móc khoá của vòng hổ phách không phải được làm bằng kim loại mà là một cơ cấu gồm một hạt hổ phách, bên trong có gắn với một ốc xoáy bằng chất dẻo. Loại khoá này đã được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm để đảm bảo chịu được lực kéo mạnh mà không đứt.

Cách sử dụng vòng hổ phách

Vòng hổ phách được đeo vào cổ như những vòng cổ bình thường. Trẻ em từ 3 tháng trở lên có thể đeo vòng hổ phách, đặc biệt là trong giai đoạn mọc răng. Nếu cho bé đeo từ sớm, bé sẽ dễ quen với vòng và sẽ không giật hoặc nhai vòng.

Bé đeo vòng hổ phách trông giống như mang một đồ trang sức thời trang. Vòng hổ phách rất bền. Nếu được chăm sóc đúng cách, vòng có thể dùng trong suốt thời kỳ mọc răng, thậm chí khi một bé mọc răng xong, vòng có thể dùng tiếp cho bé sau.

Qua thực tế sử dụng với mục đích sức khoẻ, trong số các màu của hổ phách, màu nắng được ưa chuộng hơn cả do loại hổ phách màu này tỏ ra có tác dụng chữa bệnh nhanh hơn so với các màu còn lại. Tuy nhiên, khi tính thêm cả mục đích trang sức, thì tuỳ vào các gu thẩm mỹ khác nhau, người ta cũng ưa chuộng cả các màu khác.

Hãy lưu ý rằng bé chỉ được mang vòng khi có người lớn trông nom, tránh cho bé nhai vòng hoặc giật vòng ra để chơi. Nên tháo vòng ra khi bé ngủ. Nếu dùng lâu năm, lõi chỉ tơ có thể bị sờn, cần thay lõi khác và kết lại vòng.

Cách bảo quản vòng hổ phách

Hổ phách có nguồn gốc là chất liệu hữu cơ thiên nhiên có tính chất mềm, xốp, giòn hơn so với các loại đá vô cơ, nên cần được giữ gìn cẩn thận, tránh va đập mạnh (hạt có thể bị nứt hoặc vỡ dưới lực nén mạnh), tránh cọ sát với các vật cứng, tránh tiếp xúc trực tiếp với các đồ trang điểm như kem, phấn, nước hoa, sơn móng tay, v.v.

Không cọ rửa vòng bằng xà phòng cũng như các chất tẩy rửa có phụ gia acid, kiềm, và ammoniac (tuy một số đồ trang sức có thể dùng các chất này). Hổ phách có nguồn gốc từ biển nhưng lại không ưa nước. Nó có thể xỉn màu qua thời gian. Khi đó chỉ nên dùng bột đánh răng, nhúng vào một mảnh vải ẩm bằng cotton hoặc lanh để làm sạch, sau đó lau khô rồi dùng dầu oliu lau tiếp cho đến khi các hạt bóng trở lại.

Cách phân biệt hổ phách thật và giả


Hiện nay trên thị trường đồ trang sức có thể có hổ phách giả. Đồ giả thường được làm từ các loại nhựa tổng hợp như bakelit, cazein, polyefir, polystyrol, celluloid, epoxit, v.v. Vì vậy, biết cách phân biệt hổ phách thật hay giả cũng là điều quan trọng.

Đương nhiên là hổ phách thật khác với hổ phách giả không chỉ ở vẻ đẹp tự nhiên bên ngoài mà còn ở tác dụng chữa bệnh của nó.

Để xác định chính xác hổ phách có phải là thật hay không, cách tốt nhất là dùng phương pháp phổ ký hồng ngoại hoặc phổ ký tổng quát. Hai phương pháp này cho biết thành hoá học của hổ phách. Riêng phương pháp phổ ký tổng quát còn cho biết xuất xứ địa lý của hổ phách từ đâu: Baltic, Dominic, hay Ucraina, …Hai cách này chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên cũng có một số dấu hiệu và phương pháp đơn giản hơn để kiểm tra khi không có phòng thí nghiệm.

  1. Vẻ ngoài: Đồ giả thường có nhiều bọt khí bên trong và màu sắc đồng đều trong toàn bộ vòng. Hổ phách thật có màu sắc không đồng đều, đẹp, và có sắc thái thay đổi, tạo sự riêng biệt cho mỗi sản phẩm.
  2. Trọng lượng: Hổ phách là một trong những loại đá quý nhẹ nhất. Một chiếc vòng lớn có thể chỉ có trọng lương 50gr. Cầm một chiếc vòng giả bằng chất dẻo, đặc biệt là thuỷ tinh, ta sẽ cảm thấy nặng hơn, đồng thời lạnh hơn.
  3. Phương pháp tĩnh điện: Khi chà sát hổ phách vào vải, nó sẽ tích điện âm và hút những mảnh giấy nhỏ. Đây không phải là phương pháp chính xác, bởi vì một số chất dẻo cũng có tính chất này. Tuy nhiên tính chất này ở hổ phách biểu hiện mạnh hơn và có thể cho phép phân biệt một số đồ giả. Nhưng nếu thử chà sát như vậy mà không thấy tích điện thì rõ ràng là đồ giả.
  4. Mùi khi cháy: Dùng một cây kim nhỏ nung nóng và đặt lên bề mặt miếng hổ phách ta sẽ thấy có khói trắng bốc lên kèm theo mùi nhựa thông. Hổ phách, vốn xuất thân từ nhựa thông, là một chất dễ cháy và bốc mùi đặc trưng của nhựa thông (hổ phách đã từng được gọi là trầm hương của biển và được dùng để xông hương cho thơm nhà hoặc chữa bệnh). Một mẩu hổ phách rơi vào lửa sẽ bén lửa trong 3 giây. Sau khi ngắt nguồn lửa, nó vẫn cháy mạnh. Trong trường hợp đó, chất dẻo đương nhiên sẽ bốc mùi hoàn toàn khác.
  5. Thử bằng nước: Hổ phách có tỷ trọng thấp nhất trong số các loại đá quý và bán quý. Tỷ trọng trung bình của hổ phách là 1,05-1,12 gr/cm3. Vì vậy, phần lớn các loại hổ phách đều chìm trong nước lã và nổi trong nước muối. Nếu thả một mảnh hổ phách vào nước muối (pha 8-10 thìa cà phê muối trong 1 cốc nước), hổ phách sẽ nổi. Các loại chất dẻo và nhựa tổng hợp hiện nay (trừ polystyron) đều có tỷ trọng cao hơn hổ phách (ở nhựa bakelit tổng hợp là 1,26-1,28 gr/cm3, nhựa cazein là 1,33 gr/cm3), nên sẽ chìm trong dung dịch nói trên. Tuy nhiên không nên ngâm hổ phách lâu trong nước, vì hổ phách có tính thẩm thấu cao. Sau khi thử như vậy cần lau nhẹ miếng hổ phách cho sạch nước muối.
  6. Màu: Dưới tác động của tia cực tím, hổ phách phát ra ánh sáng mờ có màu từ xanh lá cây nhạt đến vàng, nhưng phần chính của miếng hổ phách có màu xanh lơ. Trong trường hợp đó, nhựa tổng hợp bakelit không phát sang, còn cazein thì có màu vàng. Có thể dùng tia cực tím trong máy kiểm tra tiền giả để làm thí nghiệm này.
  7. Phương pháp cơ học: Dùng lưỡi dao cạo khía một vạch trên bề mặt miếng hổ phách. Nếu thấy xuất hiện một sợi phoi mềm và xoắn, giống như phôi bào, thì đó là đồ giả. Hổ phách thật chỉ bị vụn ra một chút xíu như bột.

Liên hệ Hải Anh để mua vòng hổ phách của Chuyện Trẻ Con nhé :)


Bài viết này thuộc bản quyền của Chuyện Trẻ Con với giấy phép Creative Commons Attribution-Noncommercial 3.0 License. Nội dung các bài viết và hình ảnh của    Chuyện Trẻ Con  chỉ được sử dụng với mục đích phi lợi nhuận. Nghiêm cấm sao chép với mục đích tư lợi mà không được sự cho phép của tác giả.  Tất cả các trích dẫn lấy từ  Chuyện Trẻ Con  đều phải được ghi rõ nguồn gốc và link kèm theo.

Friday, November 14, 2014

Reverse Trick-or-Treat

Năm nay mình phụ trách chương trình này trong trường của nhóc lớn, nôm na ra thì mục tiêu là để khuyến khích các bạn nhí biết chia sẻ và đồng cảm với những người hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Công việc chuẩn bị nhiều, có những đêm cả nhà khò khò rồi còn mỗi mình thức lọ mọ lên kế hoạch chuẩn bị đến 1-2h sáng. Nhưng nghĩ cho cùng thấy cũng đáng vì tương lai một thế hệ nhí với tấm lòng nhân hậu biết thương người.

Nhiệm vụ đầu tiên rơi vào những ngày gần lễ hội Halloween, khi trẻ con hóa trang và xách giỏ ra đường đi xin kẹo. Thay vì ăn hết số kẹo đó, nhiệm vụ này có trọng trách chia sẻ kẹo cho người khác. Chúng mình sẽ tới thăm một trung tâm dưỡng lão. Các cụ nhìn thấy một đám trẻ con xúng xính quần áo hóa trang tới tặng kẹo cho các cụ thì sẽ vui lắm đấy. Cụ nào răng không còn khỏe để nhai kẹo thì sẽ tặng sách Các bạn ấy làm việc quên mình luôn và đây là thành quả.


Sự khác biệt giữa xà phòng tắm gội loại thường và loại hữu cơ


Hãng Johnson&Johnson là một hãng có tiếng ở Mỹ. Nhưng nếu chỉ dựa vào sự nổi tiếng đó mà không cẩn thận đọc kỹ nhãn mác thì quả là một sai lầm. Chúng mình cùng xem thử thành phần của xà phòng hiệu Johnson's Head-to-Toe Baby Wash nhé.

Water, Cocamidopropyl Betaine, PEG-80 Sorbitan Laurate, Sodium Trideceth Sulfate, PEG-150 Distearate, Glycerin, Polyquaternium-10, Tetrasodium EDTA, Citric Acid, Sodium Hydroxide, Sodium Benzoate, Ethylhexylglycerin, Phenoxyethanol, Fragrance

Cách đây vài năm, hãng này bị chỉ trách rất nhiều vì trong sản phẩm có nhiều hóa chất bảo quản gây ung thư. Sau vụ kiện cáo rùm beng đó, Johnson&Johnson đã thay đổi rất nhiều trong công thức làm các sản phẩm tắm gội và dưỡng da cho trẻ em. Ít ra là sản phẩm nói trên không có paraben (chất bảo quản gây rối loạn hệ sinh sản và gây nguy cơ ung thư), và không có phẩm màu nhuộm là cũng đáng tuyên dương rồi. Nhưng với những người mẹ kỹ tính như mình thì đó vẫn là chưa đủ. Nguồn tra cứu của mình phần nhiều dựa vào Environmental Working Group (EWG), một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ với tiêu chí bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Đánh giá trên EWG có các chỉ số từ 0-10, với 0 là hoàn toàn vô hại và 10 là cực kỳ độc hại.
Cocamidopropyl Betaine – có thể gây dị ứng da và mắt, chỉ số đánh giá của EWG là 4
PEG-80 Sorbitan Laurate – tác hại tới gan và hệ tiêu hóa, chỉ số đánh giá của EWG là 5
PEG-150 Distearate – tăng nguy cơ gây ung thư vú và tử cung, chỉ số đánh giá của EWG là 3
Sodium Hydroxide – có thể gây dị ứng da, mắt, và phổi, chỉ số đánh giá của EWG là 3
Sodium Benzoate – chất này nếu tương tác với vitamin C thì tạo ra benzene là chất gây ung thư. Chỉ số đánh giá của EWG là 3
Phenoxyethanol – có thể gây dị ứng da và phổ, có hại tới thận, hệ thần kinh, và gan. Chỉ số đánh giá của EWG là 4 ()
Fragrance – từ “hương liệu” này rất chung chung, có nghĩa là hãng sản xuất không tiết lộ chính xác thành phần hóa học nào đã được dùng để tạo hương. Bất kể hương liệu nhân tạo nào cũng đều có hại cho cơ thể cả. Chỉ có những hương liệu từ cây cỏ, hoặc tinh dầu chiết xuất từ cây cỏ mới thực sự là tự nhiên. Chỉ số đánh giá của EWG là 8
Chỉ số đánh giá trung bình của Johnson's Head-to-Toe Baby Wash trên EWG là 4.

Vậy đó, mới đọc qua chỉ có 1 sản phẩm được các bậc phụ huynh sử dụng thông dụng thôi mà đã ra được hàng loạt các hóa chất có hại :( Các bố mẹ nên đọc cẩn thận các nhãn mác thành phần nguyên liệu trước khi quyết định mua bất kỳ sản phẩm nào cho bé.

Tại sao nên chọn dùng các sản phẩm hữu cơ (organic)?

Các sản phẩm hữu cơ hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản và các chất liệu nhân tạo. Để có được giấy chứng nhận hữu cơ, những hãng sản xuất này phải trải qua một quá trình kiểm tra khá ngặt nghèo để xác minh rằng tất cả các thành phần nguyên liệu đều tự nhiên, tính từ đất trồng các thảo mộc chiết xuất ra tinh dầu.

Đây là thành phần nguyên liệu của xà phòng tắm trẻ em Dr Bronner's Unscented Baby-Mild Castile Liquid Soap:
Water, Organic Coconut Oil*, Potassium Hydroxide**, Organic Olive Oil*, Organic Hemp Oil, Organic Jojoba Oil, Citric Acid, Tocopherol

* CERTIFIED FAIR TRADE INGREDIENT
** None remains after saponifying oils into soap and glycerin

Chỉ số đánh giá trung bình của xà phòng Dr. Bronner's trên EWG là 1.

Dr. Bronner's không phải là hãng duy nhất, đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình cho xà phòng hữu cơ. Tuy nhiên, đây có lẽ là loại sản phẩm giá cả phải chăng nhất trên thị trường. Bé nhà mình dùng một lọ 950ml cả một năm mới hết. Dr. Bronner's cũng có nhược điểm là tóc không được mượt cho lắm, nhưng có cách khắc phục rất dễ dàng mình sẽ nói tới trong bài viết sau.

Vậy bạn sẽ chọn loại nào cho bé yêu của bạn?



Xin đón đọc các bài tiếp theo:
  • 14 công dụng của xà phòng hữu cơ Dr. Bronner's
  • Sữa công thức cho bé, hữu cơ hay không hữu cơ

Bài viết này thuộc bản quyền của Chuyện Trẻ Con với giấy phép Creative Commons Attribution-Noncommercial 3.0 License. Nội dung các bài viết và hình ảnh của  Chuyện Trẻ Con  chỉ được sử dụng với mục đích phi lợi nhuận. Nghiêm cấm sao chép với mục đích tư lợi mà không được sự cho phép của tác giả.  Tất cả các trích dẫn lấy từ  Chuyện Trẻ Con  đều phải được ghi rõ nguồn gốc và link kèm theo.