Friday, July 29, 2011

Giới thiệu tác giả: Karma Wilson

Bộ sách Bear Books của Karma Wilson là những vần thơ nhẹ nhàng, dí dỏm mà trau chuốt, đi kèm với những hình ảnh đầy màu sắc hết sức sống động của họa sĩ Jane Chapman. Bộ sách xoay quanh chủ đề tình bạn giữa gấu và những người bạn, sự quan tâm chăm sóc giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Người đọc dù ở lứa tuổi nào cũng đều bị cuốn hút vào những tình tiết và lời thoại với những bất ngờ vô cùng dễ thương. Đây cũng là một dịp tuyệt vời cho các phụ huynh nhập vai và bắt chước những giọng nói khác nhau cho mỗi con vật xinh xắn này. Bộ sách có hai dạng để thích hợp cho từng độ tuổi, giấy vuông khổ to hoặc giấy bìa cứng.

Bear Snores On: Đây là quyển đầu tiên trong tuyển tập này, là lúc gấu và những người bạn lần đầu gặp nhau. Trong một cơn bão tuyết lạnh giá, gấu đang say sưa ngủ đông trong hang động của mình mà không hề biết có người tới trú chân nhờ cho qua cơn bão. Các bạn quây quần sưởi ấm quanh bếp lửa. Liệu gấu có tỉnh dậy không? Các bạn thì bé tí xíu, gấu thì to lớn hùng dũng. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu gấu thức dậy? Xin mời quý vị tiếp tục khám phá câu chuyện thú vị này.

Bear Wants More: Mùa xuân tới rồi, qua kỳ ngủ đông dài, gấu ta thật là đói bụng. Các bạn cùng giúp gấu đi tìm thức ăn, ở đây chúng ta cũng học được những loại thức ăn khác nhau của những con vật khác nhau. Gấu có lẽ là đông vật ăn tạp vì cái gì gấu cũng ăn hết (hehe) mà mãi vẫn chưa no. Đối với các bạn còn nhỏ tuổi chưa biết nói thì đây là một quyển sách tuyệt vời để dạy các bạn học cách ra dấu (sign language) cho từ “nữa/more”.

Bear’s New Friend: Vẫn là chủ điểm mùa xuân, gấu và các bạn gặp một người bạn nhỏ bé vì xấu hổ không dám ra mặt mà giấu mình trong một hốc đất trên bãi cỏ. Với sự động viên và những lời giới thiệu đầy thân thiện của gấu, người bạn này cuối cùng cũng xuất đầu lộ diện. Xin mời quý vị đọc tiếp để biết người bạn đó là ai? Rồi quý vị sẽ gặp lại người bạn đó thường xuyên trong những quyển tiếp theo.

Bear Stays Up For Christmas: Năm nào gấu ngủ đông cũng đều bỏ lỡ không đón chào Giáng Sinh, nên năm nay các bạn nhất quyết phải đánh thức gấu dậy cho bằng được. Gấu cố gắng hết sức để không ngủ gật để cùng bạn trang trí hang động của mình, trang hoàng cây thông giáng sinh với những lá cây xanh thắm, với những hạt bỏng ngô xâu lại thành dây trắng như tuyết. Tới đêm Noel, các bạn mệt nhoài lăn ra ngủ thì một mình gấu vẫn thức, mải miết làm quà tặng bạn, say sưa tới mức còn không nhận thấy ông già tuyết cũng tới bỏ quà vào những chiếc tất. Thế mới biết gấu yêu quý các bạn của mình tới mức nào.

Bear Feels Sick: Đây là một câu chuyện cực kỳ thích hợp để đọc cho bé nghe khi bé bị ốm. Nhưng ngay cả khi khỏe mạnh thì quyển sách này vẫn mang đầy tính hấp dẫn, dạy bé hiểu tình bạn bè luôn chăm sóc lo lắng cho nhau. Nếu để ý, quý vị sẽ nhận ra cái chăn các bạn đắp cho gấu khi ốm cũng chính là cái chăn gấu được tặng trong dịp Giáng Sinh vừa rồi!

Bear Feels Scared: Lại một lần nữa, tình bạn giữa gấu và các bạn bè của gấu luôn ở bên nhau kể cả trong hoạn nạn được diễn tả vô cùng cảm động. Gấu đi lạc trong rừng khi cơn mưa sắp tới nơi, gấu một mình sợ hãi không biết phải đi về hướng nào. Các bạn của gấu thấy cơn bão tới gần mà gấu vẫn chưa về nhà nên thành lập cả một tiểu đội để đi tìm gấu. Chuyện kết thúc bằng những vòng ôm mừng rỡ của cả bạn khi tìm thấy gấu để lại trong lòng người đọc một cảm giác thật ấm áp. Nếu bé sợ đi ngủ trong bóng tối thì cùng với một vài chú gấu bông nằm bên cạnh, quyển sách này sẽ giúp bé cảm thấy an toàn.

Bear’s Loose Tooth: Đây là quyển mới nhất trong tuyển tập, tính tới thời điểm này còn chưa được công bố. Câu chuyện này thích hợp với các bạn lớn lớn một chút khi tới tuổi thay răng. Với sự thành công của bộ sưu tập trên của Ms. Wilson và Ms. Chapman thì chắc chắn quyển này cũng sẽ tạo được tiếng vang không kém!


Ngoài bộ Bear Books này ra tác giả còn viết một số quyển khác nữa, ai có dịp đọc thấy hay thì giới thiệu tiếp :)

Kể chuyện Cô Bé Lọ Lem

Có một lần hai mẹ con nhà tớ đi trên đường hát nghêu ngao, mẹ khoe khoang với con là mẹ biết hát bài cô bé Lọ Lem, thế là đương nhiên là được yêu cầu thể hiện luôn.  Ai ngờ được 2 đoạn thì tắc tị, mới phát hiện ra là mình chỉ biết có chừng đó, đành phải dùng kế hoãn binh với con là để mẹ đi tìm lời rồi hát nốt nhé.  Con nhớ dai cứ nhắc đi nhắc lại.  Mẹ lên internet tìm lời bài hát, đọc xong tí thì ngất (ai không tin cứ thử đi tìm hehe).  Mà đã trót hứa với con rồi nên đành phải ngồi nghĩ thơ con cóc để ghép thành bài hát Lọ Lem.  Bây giờ chia sẻ cho các bạn nào thích công chúa hoàng tử.  Nhưng báo trước là đây thật là thơ con cóc không có vần điệu gì hết cả nhé :)   Bài này hát theo nhạc bài “Năm ngón tay ngoan” (xòe bàn tay đếm ngón tay…)

Rằng ngày xưa rất rất xưa
Một cô bé tên là Lọ Lem
Rằng mẹ cô đã mất rồi
Cô phải ở với một bà dì

Rằng dì cô rất ghét cô
Thường hay đánh hay đập cô luôn
Còn mụ ta sống trang hoàng
Cùng hai cô con gái nuông chiều

Một mùa đông tuyết trắng rơi
Đoàn binh lính cung đình báo tin
Rằng nhà vua cho mở hội
Truyền cho khắp nhân gian vào xem

Nàng Lọ Lem rất muốn đi
Dì cô nói mau ngồi yên đây
Mày làm chi có áo quần
Mà cũng dám lân la đi cùng

Buồn tủi thân nước mắt rơi
Bà tiên bỗng bất ngờ bước ra
Tặng Lọ Lem ba phép màu
Rồi bà nói mau nhanh lên đường

Nàng Lọ Lem lấy phép ra
Bộ váy mới trông đẹp lung linh
Giầy thủy tinh, cỗ xe tròn
Chở Lọ Lem đi ra hoàng cung

Dạ hội đang rất rất vui
Một nàng công chúa xinh đẹp biết bao
Nhẹ nhàng sao, Lọ Lem cúi chào
Thật là đúng như tiên giáng trần

Hoàng tử trông thấy mỹ nhân
Chàng đã sớm mang lòng mến yêu
Chàng cầm tay lọ lem thắm nồng
Và khiêu vũ suốt đêm với nàng

Nửa đêm sang, báo tiếng chuông
Lọ Lem mới giật mình chạy đi
Bỏ lại sau một chiếc giày
Hoàng tử với tay theo ngậm ngùi

Rồi chàng trai, rất quyết tâm
Tìm cho thấy người đẹp Lọ Lem
Giày pha lê, thử chân mỗi người
Mà vẫn không có ai đi vừa

Một ngày kia, nắng sớm mai
Chàng đi tới ngôi nhà Lọ Lem
Bà dì kêu 2 con gái mình
Thử giày nhưng chân to làm sao

Rồi Lọ Lem bỗng bước ra
Một tay có chiếc giày thứ hai
Xỏ vào chân, cả hai chiếc vừa
Và đôi lứa nên duyên vợ chồng

Chuyện kể xong, bé thích không?
Mình sẽ hát tiếp vào tối mai
Còn giờ đây, mẹ thơm bé nào
Và con cũng ôm mẹ thật nhiều

Hát tới đoạn cuối cùng, cứ tưởng con sẽ tình củm ôm hôn mẹ, ai ngờ con cười hì hì ẩn mẹ ra bảo, con có phải là baby đâu mà mẹ gọi con là bé :D

Ngày Trái Đất


Post lại bài được viết ngày 11, tháng 4, 2001

Tuần này chủ đề Ngày Trái Đất, bố & mẹ đọc các truyện trong book list đã lên sẵn với chủ đề bảo vệ môi trường. Thử hình dung con nằm giữa bố và mẹ, bố đọc quyển Recycle cho nghe, mẹ thì thỉnh thoảng lại thốt lên, thế á, thật á, hóa ra là như vậy, ... Xem ra thì có vẻ mẹ học được nhiều điều mới ra phết. Con nằm nghe chăm chú lắm, tới đoạn nói về recycle thủy tinh, có hình mấy cái chai, bố đang say sưa giảng giải người ta tái tạo thủy tinh ra làm sao thì con cất tiếng dõng dạc ... đếm 1, 2, 3 một mạch tới 6 cho đủ cả 6 cái chai trong hình vẽ. Bố lại say sưa thuyết trình, con say sưa chỉ trỏ, bố ơi con mèo kìa, con chó kìa, ui có tận 2 con mèo liền. Hehe túm lại thì ko biết là vào đầu con được bao nhiêu về chuyện recycle, nhưng con thích quyển đó vì mấy con chó mèo kia :)

Có thể đối với con chủ đề này tạm thời là nước đổ đầu vịt, nhưng với mẹ thì hòan toàn khác. Mọi người có thể tưởng tượng được trung bình mỗi ngày một người thải ra gần 3kg rác không? Trong đó đồ ăn thừa, giấy vụn còn tự tiêu hủy được, đồ thủy tinh và nhôm thì mất tới vài trăm năm, đồ nhựa & túi nilon tới cả 1000 năm, và đặc biệt là các cốc/hộp xốp (styrofome) thì không bao giờ bị phân hủy, nguy hiểm hơn chúng trôi nổi ra bờ biển, các sinh vật biển tưởng đó là đồ ăn, ăn vào và kết cục ra sao thì ai cũng biết :(

Các bạn hãy cùng chung tay giúp trái đất này sạch hơn đẹp hơn nhé
1. Reduce - Reuse - Recycle.
2. Mỗi khi đi chợ nhớ mang theo túi đựng đồ ăn (reusable bag) thay vì lấy túi nilon.
3. Đi ăn hàng nhớ mang theo hộp to go riêng của mình, đừng dùng hộp xốp
4. Recycle batteries, electronic goods, v.v. đừng vứt vào thùng rác mà hại tới môi trường
5. Freecycle: rác thải của một người nhưng có thể là kho báu cho người khác.

Thứ 7 ngày 23/4 nhà tớ tham gia dọn rác cho sự kiện 2011 Trash Bag ở chỗ tớ, tớ hy vọng đây là dịp cho các bạn nhỏ làm quen với các công việc của cộng đồng. Các bạn khác có thời gian tham gia cùng không?

Hôm nay nhóc nhà tớ làm được công trình này đây, trông có giống trái đất tí nào không nhỉ :D Cả tháng này ở trường con cũng chủ đề về bảo vệ môi trường nên bạn ấy làm cái này chuẩn bị cho buổi show and tell vào ngày mai.



Cách làm như sau:

- Một bút sáp màu xanh lá cây và một bút sáp xanh nước biết, lấy dao cắt nhỏ

- Một miếng bìa và một miếng giấy nến (wax paper)

- Trải vụn sáp lên mặt bìa, sắp xếp sao cho giống tỉ lệ cây và biển. Lấy bàn là là lên mặt giấy nến, sáp nóng sẽ chảy ra. Cắt miếng bìa thành hình tròn.

- Chú ý nhớ cắt giấy nến khổ lớn một chút để khi là không bị dính màu vào bàn là.

Các hoạt động vui chơi với dù màu

Tất cả những hoạt động vui chơi trong kịch bản này tớ ghi lại qua những buổi đi học lớp Play and Learn của Gymboree. Cực kỳ thích hợp với độ tuổi khá rộng từ 8 tháng tới 6-7 tuổi, có khi còn lớn hơn. Trong video là dù trên lớp, tớ và các bạn chung nhau mua trên Oriental Trading.


Mở đầu: phụ huynh mở dù ra, vừa trải xuống đất vừa hát gọi các bạn tới (http://www.youtube.com/watch?v=Bpr-GEZXZe4)

Oh who can come and pull out the chute, pull out the chute
Oh who can come and get on the chute, it’s almost bubble time

Khi các bạn định vị ngồi trong vòng tròn, người hướng dẫn đứng giữa hỏi các bạn có muốn chơi bong bóng hay không rồi vừa thổi bong bóng vừa hát. (http://www.youtube.com/watch?v=QQMl8gffavM)

(Nhạc theo bài If you’re happy and you know it)
There are bubbles in the air in the air (clap clap)
There are bubbles in the air in the air (clap clap)
There are bubbles in the air
There are bubbles everywhere
There are bubbles in the air in the air (clap clap)

There are bubbles way up high way up high (clap clap)
There are bubbles way up high way up high (clap clap)
There are bubbles way up high
There are bubbles in the sky
There are bubbles way up high way up high (clap clap)

There are bubbles way down low way down low (đập tay xuống đất 2 lần bộp bộp)
There are bubbles way down low way down low (bộp bộp)
There are bubbles way down low
There are bubbles by your toes
There are bubbles way down low way down low (bộp bộp)

There are bubbles in your hair in your hair (đập nhẹ lên các bạn pop pop)
There are bubbles in your hair in your hair (pop pop)
There are bubbles in your hair
There are bubbles everywhere
There are bubbles in your hair in your hair (pop pop)

Người hướng dẫn đi vòng quanh và thổi bong bóng cho từng bạn một, phụ huynh hát lặp theo người hướng dẫn.

Bubbles for Maggie
Bubbles for Anh
Bubbles for Ryan
Bubbles Mia
Bubbles for Lily
Bubbles for Alex
Bubbles for Bi
Bubbles for …..
Bubbles for everyone
Bubbles for everyone

Người hướng dẫn hỏi “Who wants to help me shake the bubbles out?“, hướng dẫn các bạn vẫy dù và cùng hát.

(Nhạc theo Ten little Indians)
One little two little three little bubbles
Four little five little six little bubbles
Seven little eight little nine little bubbles
Ten little bubbles go pop pop pop (tay đập xuống đất cùng lúc)
Can you pop those bubbles out pop pop pop
Can you pop those bubbles out pop pop pop
Can you pop those bubbles out
Pop pop pop pop pop pop pop

Người hướng dẫn hỏi các bạn “Who wants to hide under the parachute?“, rồi cùng các phụ huynh dựng lều và hát (http://www.youtube.com/watch?v=PFzPOqiG7Uw)

(Đập mạnh 2 tay liên tục xuống đất tạo tiếng sấm)
I hear thunder I hear thunder
Louder roar, louder roar
(Đưa ngón tay lên môi “shhhhh”)
(Đập nhẹ 10 đầu ngón tay xuống đất như tiếng mưa)
Pitter patter raindrops
Pitter patter raindrops
Soft the rain, soft the rain

Các phụ huynh đứng dậy vẫy dù, các bạn đứng dưới dù và cùng hát (http://www.youtube.com/watch?v=n8MQVsjwY4E)

(Nhạc theo Twinkle twinkle little star)
Red and yellow green and blue
These are the colors over you
Red like an apple green like a tree
Yellow like the sun blue like the sea
Red and yellow green and blue
These are the colors over you

hoặc

Up up up we go
Down down down so slow
Raise our colors to the sky
Count to 3 and watch it fly

hoặc chơi peekaboo

who’s hiding under my parachute peekaboo

Một số trò khác có thể chơi thêm nếu còn sức
1. Tất cả ngồi quây vòng tròn trên dù, mỗi bạn có 1 quả bóng, luân phiên chuyền bóng cho nhau và hát đi hát lại (http://musicgarden.com.au/simone/File:07_I_roll_the_ball_to_you.mp3)

I roll the ball to you, you roll the ball to me

2. Trò này cho các baby đang tập đi: (http://www.youtube.com/watch?v=mniSpBT02aU)

Push push push the log together
Push push push the log together
This is the way we push the log, push the log, push the log
This is the way we push the log, la la la la :)

3. Peekaboo: người hướng cầm 1 con bông nào đó, giả sử là Winnie the Pooh chẳng hạn, làm điệu bộ chơi ú òa và hát (http://www.youtube.com/watch?v=uWJW3kYao50)

Winnie the Pooh says peakaboo, peakaboo
Winnie the Pooh says peakaboo, peakaboo to you, peakaboo
Có thể mở rộng ra với những hoạt động khác như
Winnie the Pooh goes up and down (goes side to side, goes twist twist twist)
And then he gives a kiss, muah

4. Goodbye: ôm Winnie đi vòng quanh mỗi bạn vẫy tay chào (http://www.youtube.com/watch?v=oI3xEraOri8)

Bye bye Tuong Anh, bye bye Maggie, bye bye Ryan
We’re glad you came to play. We all say
Bye bye Alex, bye bye Bi, bye bye everyone
We’re glad you came to play.
Let’s take our little hands wave bye bye bye
We’ll see you all next week.

Friday, July 15, 2011

Shades of Color

Trẻ con ai cũng bị hấp dẫn bởi những màu sắc sặc sỡ. Các trò chơi về màu sắc thì nhiều vô kể. Nhiều người áp dụng vào playdate, ví dụ như tuần này gặp nhau giao hẹn tất cả các phụ huynh và các bạn đều mặc áo màu xanh lá cây nhé. Ngày xưa tớ nghe tới chuyện đấy là tớ gạt tay luôn, nghĩ là vẽ vời lắm chuyện thế. Giờ tớ mới thấy mình có những suy nghĩ cực kỳ sai lầm.

Bộ color tablets này bán trên mạng 40USD. Tớ thì chạy ra cửa hàng thiết kế nội thất (chỗ tớ có Home Depot và Lowes) có một khu bán sơn tường, bày vô vàn các mẫu màu sơn khác nhau. Tớ khuân về một lô là có đủ một bộ đủ màu từ đậm đến nhạt rồi. Một cách khác là có thể tự mua len màu về quấn lại, nhưng mà cũng hơi mất thời gian một chút. Cách của tớ tuy không đẹp bằng nhưng mà phải nói là cực kỳ nhanh :)

Đối với các bạn bé, có thể dạy tên màu, match tìm màu giống nhau. Đối với các bạn lớn hơn như nhóc nhà tớ thì hướng dẫn các bạn ấy sắp xếp theo tông màu từ đậm tới nhạt. Hoạt động này giúp kích thích khả năng nhận biết bằng thị giác của trẻ.



Hehe nếu để ý sẽ thấy tớ xếp tông màu xanh nước biển sai mất 2 hàng đầu tiên, nhóc nhà tớ mà xếp thì không sai chút nào đâu =))

Dạy bé sign language

Bài này tớ viết từ hồi tháng 8 năm 2009, giờ gom lại post lại ở đây.

Con bé nhà tớ thuộc dạng nói ít làm nhiều, 21 tháng mà mới nói được có 7-8 từ đơn, cứ nghe lũ bạn kể con chúng nó còn ít tháng hơn con nhà mình mà nói được 1 câu dài "mẹ đang làm gì đấy" là lại tớ lại thấy tị rồi. Nhưng thì đành vậy, cô nàng không chịu nói thì tớ chịu khó dạy cách ra dấu (sign language) để ít ra con muốn gì mẹ còn biết đường mà đoán.

Công cuộc dạy sign language từ hồi con khoảng 8 tháng tuổi. Hai từ đầu tiên là từ "măm măm" và "nữa", măm măm thì chụm các ngón tay lại với nhau rồi đưa lên miệng, nữa thì chụm các ngón tay của cả 2 bàn tay rồi đập vào nhau. Trường kỳ kháng chiến 2 tháng liền mà có vẻ như nước đổ đầu vịt. Bỗng tới 1 ngày đẹp trời, mẹ giơ miếng bánh ra trước mặt hỏi con có ăn nữa không, con ra dấu "nữa nữa" và gật đầu lia lịa, mẹ thật là hả lòng hả dạ quá, bõ cái công hơn 2 tháng trời dạy dỗ cũng ướt được cái đầu con vịt. Thấy con biết ra dấu "nữa", ham quá, mẹ quên cả cách ra dấu "măm măm", nhập nhằng cả 2 vào với nhau, vậy là đối với con, muốn ăn là cứ chụm tay đập đập vào nhau là được.

Một thời gian, chuyện ra dấu nữa đối với mẹ trở thành chuyện đương nhiên, mẹ chỉ thấy con ra dấu mà bản thân mình thì không làm nữa, 2 tháng sau, con quên sạch, chữ thày giả thày

Thế rồi 1 tháng gần đây, cô giáo bảo mẹ, tập lại cho con ra dấu để tăng khả năng giao tiếp cho con. Vậy là mở lại công cuộc dạy dỗ. Ai ngờ đâu, cái dấu "nữa" hồi xưa con học mất 2 tháng trời, thì bây giờ chỉ cần 2 ngày là con bắt chước làm như 1 con khỉ con. Mới đầu chỉ là xin ăn nữa, nhưng vài ngày sau, bất kể cái gì "nữa" con cũng ra dấu. Nhiều khi con ăn chán rồi, đưa bánh của con cho mẹ, rồi ra hiệu hỏi "mẹ ăn nữa không con cho này", mẹ mà ko ăn cũng bắt phải ăn Mẹ dạy con thêm từ mới là "ạ", là "please": xòe bàn tay phải xoa vào ngực chỗ trái tim. Con vịt của mẹ càng lớn học càng nhanh, cứ có bánh để dụ là bắt chước nhanh như cắt, có điều, con dùng cả 2 bàn tay vỗ vào ngực, lúc nào cuống quá thì vỗ nhầm vào cái bụng bùm bụp, mặt mũi hớn hở, miễn là được ăn thì tiện đâu vỗ nấy

Vậy là con đã biết ra dấu được "măm", "nữa" và "ạ". Chắc sắp tới tớ sẽ dạy "cảm ơn" và "con yêu mẹ", không biết kết quả sẽ như thế nào đây

Mọi người tham khảo các dấu hiệu dễ và hay sử dụng cho trẻ em ở đây:

Thursday, July 14, 2011

Học địa lý cùng con

Tớ vốn dĩ là đứa dốt đặc cán mai môn địa lý. Ngày xưa tớ học như một con vẹt chỉ để đối phó thôi nên chữ thầy trả thầy hết rồi. Bây giờ cả hai mẹ con nhà tớ cùng học địa lý với nhau.

Giáo cụ Montessori có bộ Flags of the World như sau

Đẹp lung linh nhưng nhìn cái giá cộng với tiền vận chuyển nữa là 60USD rồi. Mà nói chung giáo cụ của Montessori đắt kinh người, tuy là phải công nhận tiền nào của nấy thật. Lớp của nhóc nhà tớ thì có hết rồi nên tớ ko muốn mua nữa, nên cái gì tự làm được dễ thì làm nhỉ.

Bài học đầu tiên về địa lý là học về tên và vị trí của các châu đã. Tớ tự làm một bộ puzzle như sau

Bước 1: In 2 hình bản đồ các châu vào giấy khổ A4 rồi dán 1 bản lên bìa cứng cho chắc. Hình bản đồ tớ lấy ở đây.



Bước 2: Bản còn lại cắt riêng các châu ra rồi cũng dán vào bìa cứng cho chắc. Cái này dùng làm puzzle. Khi cắt ra tớ mới thắc mắc là Greenland thì thuộc vào châu nào vì tớ luôn nghĩ là Greenland nằm ở địa phận của châu Âu. Lên mạng tìm hiểu thì hóa ra là tuy Greenland vị trí gần thuộc châu Mỹ nhưng được coi là một nước của Châu Âu. Làm tớ ko biết cắt thế nào đành để nguyên thế vậy. Đấy, thế là chưa gì tớ đã học được thêm kiến thức rồi.



Khi lắp ghép, cho bé nhìn toàn bộ bản đồ ở bước 1 trước để bé định vị trí của các châu, sau đó cho bé lắp ghép các châu vào bản đồ ở bước 2. Lưu ý bé tất cả vùng màu xanh nước biển đều là các đại dương cả.

Tớ đang tiếp tục làm phần 2 của bài học địa lý này nữa, đó là học riêng châu Á thôi, gồm có tên, vị trí và quốc kỳ các nước. Khi nào xong tớ sẽ cập nhật tiếp :)

The new beginning

Tớ bỏ cái blog này bụi bặm không biết đã mấy năm nay. Hôm nay vì có việc cần xem blogspot dạo này hoạt động như thế nào mới phát hiện ra tổng số view của blog lên tới gần 42,000. Choáng toàn tập :D

Nhưng mà con số này làm tớ lấy lại lòng nhiệt huyết. Từ giờ trở đi tớ sẽ cố gắng chăm chỉ viết lách hơn mới được. Một lý do quan trọng nữa là vì tớ mới cho nhóc 3 tuổi nhà tớ theo học trường dạy theo phương pháp của Maria Montessori. Tuy bắt đầu hơi muộn, nhưng tớ thấy là muộn còn hơn không. Tớ coi đây là một trong những quyết định vô cùng đúng đắn của tớ. Tớ lọ mọ khá nhiều các blog tự dạy Montessori tại nhà, nhưng đều là của các bà mẹ ở nước ngoài nên blog bằng tiếng Anh cả. Ở Việt Nam tớ thấy có Câu lạc bộ Cha Mẹ dạy con sớm có bàn về phương pháp này. Tớ tâm đắc CLB này lắm, nhưng mà tớ ở xa không có điều kiện tham gia ọp ẹp gì, nên tớ cũng ít lên đó tán phét. Nhưng túm lại là tớ chưa hề thấy có một blogger Việt Nam nào dành riêng cho Montessori cả, nên tớ muốn thử sức mình một chút xem sao. Nếu có vắng khách thì chắc chắn là sau này vẫn có một độc giả trung thành là em gái tớ bị tớ dụ dỗ ép vào đọc hehe

“How to teach your baby to read” – why this book touched me


Bình thường chắc là mẹ mìn nhà tớ chẳng khi nào bỏ thời gian ra viết kể lại một câu chuyện như thế này, nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ. Tớ có một người bạn, cháu ngoại cô ấy năm nay gần 3 tuổi, nhưng khi được 1 tháng rưỡi tuổi thì bị xuất huyết não rất nặng tưởng ko qua khỏi. Sau lần đó bé bị di chứng dẫn tới tổn thương não nặng nề. Quyển sách này làm tớ liên tục nhớ đến bé và quyết tâm phải viết. Tóm tắt dưới đây thực ra không phải là ý chính của quyển sách là việc dạy trẻ con đọc sớm, mà là tiền đề vì sao phương pháp này ra đời. Chia sẻ với mọi người trích đoạn lá thư gửi bà ngoại bé.



Cháu mới đọc một quyển sách tựa đề “How to teach your baby to read?” của tác giả Glenn Doman. Mục tiêu chính của quyển sách là dạy trẻ em biết đọc sớm, 1 tuổi có thể nhận biết từ, 2 tuổi đọc được câu và 3 tuổi đọc được cả một câu chuyện đơn giản. Nhưng cái tiền đề của quyển sách này làm cháu nghĩ rất nhiều tới bé nhà cô, và định rằng đọc xong cháu phải viết thư cho cô ngay khi mà cháu vẫn còn nhớ nhiều các tình tiết của sách.

Sách được viết từ đầu những năm 80, là kết quả của một quá trình thực nghiệm gần 20 năm. Một nhóm gồm có các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ phẫu thuật thần kinh, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia ngôn ngữ (speech therapist), bác sĩ tâm lý, y tá và chuyên gia về giáo dục. Ban đầu nhóm được hình thành để giúp và điều trị cho trẻ em bị chấn thương não rất nặng (brain injured). Họ cho rằng hoàn cảnh bị chấn thương (khi còn trong bụng mẹ, hay trong quá trình sinh nở, hay sau khi đã chào đời) hoàn toàn không có sự khác biệt gì. Có thể so sánh như một câu hỏi là tai nạn xảy ra vào buổi sáng, buổi chiều, hay buổi tối vậy. Đại đa số các chuyên gia đều cho rằng những đứa trẻ với bộ não tổn thương như vậy đều coi như không còn hy vọng gì, thậm chí chỉ sống với một đời sống thực vật mà không hề biết đến những sự việc xung quanh. Một trong những bệnh nhân đầu tiên, cậu bé Tommy, đã thay đổi toàn bộ cách suy nghĩ của họ.

Khi sinh ra, bộ não của Tommy đã bị tổn thương nặng nề. Ngày cậu bé tròn 2 tuổi, một bác sĩ của một bệnh viện có tiếng ở New Jersey đã nói với bố mẹ cậu rằng, cậu bé không có một hy vọng nào có thể biết đi và biết nói cả. Bố mẹ Tommy không chịu đầu hàng với số phận, luôn tâm niệm rằng có thể Tommy không biết nói nhưng ánh mắt tinh anh của con nói lên tất cả. Tuy nhiên mãi tới khi Tommy 3 tuổi, bố mẹ cậu mới tìm được một bác sĩ chấp nhận điều trị cho cậu. Người bác sĩ này chính là một thành viên của nhóm chuyên gia nói trên. Lúc này, cậu bé hoàn toàn không tự cử động được và không nói được. Với sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ và nỗ lực không ngừng nghỉ của bố mẹ cậu, sau 2 tháng, Tommy bắt đầu biết trườn. Ba tuổi rưỡi, cậu bé biết kết hợp cả bàn tay và đầu gối để bò và biết nói hai từ “bố” và “mẹ”. Khi đó, mẹ cậu lần đầu tiên mua cho cậu một quyển sách dạy chữ cái với những hình ảnh sặc sỡ. Trong lần khám tổng thể khi Tommy 4 tuổi, mẹ cậu tự hào thông báo với chúng tôi rằng cậu đã biết đọc hết các từ trong quyển sách đó. Nhóm chuyên gia hầu như không hề để ý tới điều đó, vì họ chỉ quan tâm và chú trọng tới việc phát triển thể chất và luyện cho Tommy biết nói. Bốn tuổi 2 tháng, bố cậu khoe với họ, Tommy có thể đọc được cả quyển Green Eggs and Ham của Dr. Seuss. Họ chỉ mỉm cười lịch sự và nghĩ rằng, cha mẹ nào chẳng tự hào về con mình. Khi Tommy 5 tuổi, bố cậu lại thông báo với các chuyên gia rằng, cậu đã có thể đọc hết cả một tờ tạp chí dành cho người lớn. Nhưng lần này, ông quyết tâm chứng minh bằng được là Tommy biết đọc. Ông viết lên giấy một câu, Tommy đọc được cả câu dưới sự kinh ngạc của các chuyên gia. Tiếp theo, ông viết thêm câu thứ hai, rất dài và hài hước. Cậu bé mới đọc được 3 từ đầu tiên đã phá lên cười. Điều này chứng tỏ rằng bộ não của Tommy làm việc nhanh hơn nhiều so với phản xạ nói của cậu. Tommy đã đánh dấu một mốc vô cùng quan trọng trong công cuộc điều trị trẻ em chậm phát triển của nhóm.

Từ trường hợp của Tommy, sau những bài kiểm tra thấy rằng cậu bé 5 tuổi này có khả năng đọc ngang với một đứa trẻ bình thường 11 tuổi, các nhà chuyên gia khi đó tự ra câu hỏi cho mình, tại sao những đứa trẻ khỏe mạnh mà cũng chỉ có trình độ được chừng đó, thậm chí còn kém hơn? Từ đó, họ tập trung vào việc nghiên cứu các phương pháp để kích thích bộ não (dù bị tổn thương hay khỏe mạnh) để trẻ em có thể đạt được những việc mà ở lứa tuổi đó vốn được coi là hiện tượng thần đồng. Về sau này, khi y học tiến bộ hơn, đối với những đứa trẻ có một nửa bán cầu não hoàn toàn tê liệt, người ta có thể tiến hành những ca phẫu thuật để cắt bỏ phần não chết này, tạo điều kiện cho phần não còn lại làm chủ toàn bộ hệ thống thần kinh (hemispherectomy). Nhưng ngay cả khi đó, nhưng nghiên cứu của nhóm chuyên gia trên cho thấy, những đứa trẻ đã trải qua phẫu thuật não và những đứa trẻ có bộ não tổn thương mà không được phẫu thuật nhưng được cha mẹ áp dụng những phương pháp kích thích hệ thần kinh, đều có chỉ số thông minh và khả năng đọc hiểu ngang bằng, thậm chí hơn những trẻ mạnh khỏe bình thường nhưng không được dạy bằng phương pháp đặc biệt nào cả.

Mục đích chính của quyển sách này là để khuyến khích các bậc phụ huynh dạy con từ sớm vì bộ não một đứa trẻ con 1-2 tuổi có thể hấp thụ được rất rất nhiều kiến thức so với trẻ 5-6 tuổi. Nhưng để hình thành được phương pháp này họ đã trải nghiệm qua những đứa trẻ bị chấn thương não, và vì vậy cháu nghĩ rằng, chắc chắn có một cách nào đó để giúp được Bống cô ạ. Ngoài việc theo vật lý trị liệu và phục hồi chức năng của các bác sĩ ở VN, nếu cô có thời gian, cháu nghĩ là có rất nhiều sách vở mình có thể tham khảo thêm được để áp dụng bổ xung thêm. Việc này chắc chắn không có gì hại, chỉ cần lòng kiên trì. Cháu đang muốn áp dụng thử để dạy Ly nhà cháu đọc tiếng Việt. Nếu cô tìm được sách hay có thể áp dụng được cho bé, cô nói với cháu cháu sẽ mua và gửi về cho cô. Cháu thấy tìm sách trên amazon là hay nhất, vì hệ thống review của họ rất tốt, mình có thể ước chừng được là sách có hay không rồi mới quyết định mua.

Thư của cháu viết dài quá bắt cô phải đọc. Nhưng thực sự là cháu rất mong muốn có thể làm được gì đó cho bé, ít ra cũng là niềm hy vọng.



Glenn Doman cũng là người sáng lập ra viện tên tiếng Anh là The Institutes for the Achievement of Human Potential. Hiện giờ là con trai của ông ấy là người giảng dạy thì phải. Đương nhiên cũng có những ý kiến trái chiều khác nhau, công kích phương pháp Doman, nhưng tớ nghĩ là cũng đáng để tìm hiểu. Tuần sau, chính xác là ngày 25/7, ở Singapore có một khóa học của viện "What to do about your brain injured child?" (đây cũng là tên của một quyển sách do Glenn Doman viết). Đây là website của viện đó, trong đó có khá nhiều video về những đứa trẻ bị chấn thương não đã khá lên ntn sau những khóa điều trị. http://www.iahp.org/

Cập nhật: Tớ gửi thư trực tiếp hỏi giá của khóa học tại Sing là bao nhiêu thì tại thời điểm ngày 18/7/2011, một người là $1095 USD, hai người là $1725 USD.  Tuy nhiên tại Sing họ tính thêm tiền phí bổ xung vì người hướng dẫn cũng phải tới đó, giá phụ thêm là $1000 SGD một người.  Ngoài ra, họ yêu cầu trước khi tham dự khóa học phải đọc hết quyển What To Do About Your Brain-Injured Child cũng của Glenn Doman.  Nói chung là đắt đỏ, không phải ai cũng có khả năng theo :(

Giới thiệu sách hay: Cha Mẹ Giỏi, Con Thông Minh

 Bài này tớ viết lâu rồi nhưng giờ post lại vào đây cho tập trung nhé.

Tớ đọc được một phần khá hay về kỹ thuật nói chuyện với con từ quyển Cha Mẹ Giỏi, Con Thông Minh (Thinking Parent, Thinking Child của Myrna B. Shure) nên muốn chia sẻ với các bậc phụ huynh.

Xét một tình huống như sau, hai bạn Mai và Lan cãi nhau gay gắt vì bộ đồ chơi nặn hình.

Lan: Đây là bột nặn của con, thế mà bạn Mai đòi lấy hết
Mai: Con chỉ lấy có mỗi một tẹo, Lan chẳng bao giờ chia sẻ cái gì hết, trong khi con có cái gì cũng chia cho bạn ấy.

Các bậc phụ huynh thường sẽ hành động theo một trong ba phương pháp như sau.

1. Phương pháp quyền lực:

“Đưa hết chỗ bột nặn đây cho mẹ. Nếu hai con không nhường nhau, mẹ sẽ cất đi và sẽ chẳng đừa nào có đất sét hết”.
“Lan, con không được ích kỷ như vậy”.
“Hai đứa mỗi đứa đi vào phòng mình đóng cửa lại tự suy nghĩ, không chơi bời gì nữa”.

Nghe cũng quen quen nhỉ hehe

Phương pháp này đã bỏ qua một phần cực kỳ quan trọng trong tình huống trên, đó là bản thân hai bạn Lan và Mai. Các bạn cảm thấy thế nào? Chắc chắn là vẫn giận dữ và bực tức như lúc trận chiến mới bắt đầu. Ko chỉ vậy, các bạn còn không học được cách tự mình giải quyết vấn đề. Điều này rất dễ đồng nghĩa với việc khi thời gian cách ly đã hết, các bạn lại cãi nhau về bộ bột nặn, hoặc về một thứ khác. Điều nguy hiểm trong phương pháp này là dần dần, trẻ con sẽ bị cảm thấy bị chế ngự.

2. Phương pháp gợi ý:

“Con nên hỏi xin bạn Mai cho con chơi cùng với đi”
“Con nên chia sẻ đồ chơi của con với Lan đi”

3. Phương pháp giải thích

“Nếu hai con không học cách chia sẻ, sẽ không có ai chơi với các con nữa, và các con sẽ không có ai làm bạn cả”.

Mấy câu này nghe cũng quen không kém

Cả hai phương pháp 2 và 3 đều dựa trên giả sử rằng các bạn hiểu được việc mình làm có tác động làm tổn thương bản thân và người khác. Phương pháp 3 thường đi đôi với thông điệp “Mẹ“, ví dụ “Mẹ không muốn/không thích nghe con cãi nhau với bạn như vậy“.

Phương pháp 2 và 3 tuy có hiệu quả tích cực hơn là phương pháp 1, nhưng trong cả 3 phương pháp trên các bậc phụ huynh đều nghĩ “hộ” con mình. Thay vì yêu cầu các con tự mình giải quyết vấn đề, họ độc thoại một chiều. Như vậy là đang “bảo”, chứ không phải đang “trò chuyện” với con. Rất có khả năng các bạn nghe tai từ tai này lọt qua tai kia. Mà cuối cùng, các phụ huynh vẫn sẽ phát cáu vì con mình ko nghe lời.

4. Phương pháp trò chuyện

Phương pháp này giải quyết được cả mong muốn lẫn khả năng dễ bị tổn thương của cả cha mẹ và con cái. Đặt lại tình huống như sau:

Lan: Đây là bột nặn của con, thế mà bạn Mai đòi lấy hết
Mai: Con chỉ lấy có mỗi một tẹo, Lan chẳng bao giờ chia sẻ cái gì hết, trong khi con có cái gì cũng chia cho bạn ấy.
Mẹ: Lan, hai bạn đang cãi nhau đấy. Bây giờ con cảm thấy thế nào?
Lan: Con giận lắm rồi đấy.
Mẹ: Mai, con cảm thấy thế nào?
Mai: Con cũng cáu lắm rồi đấy. Lan ích kỷ, ko bao giờ chịu chia sẻ gì cả.
Mẹ: Ừ, cãi nhau cũng là một cách để giải quyết vấn đề rắc rối này. Vậy con nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra?
Lan: Bọn con sẽ đánh nhau.
Mẹ: Hai bạn thử nghĩ xem có cách nào khác để giải quyết vấn đề này ko, để cả hai đều ko phải đánh nhau và không thấy bực mình nữa?
Mai (suy nghĩ): Con có thể lấy bột nặn màu đỏ, còn cho Lan lấy màu xanh, sau đó thì bọn con sẽ đổi cho nhau.
Mẹ: Lan, như vậy có được không?
Lan: Thôi được, thế thì con sẽ nặn quả táo xanh.
Mai: Con sẽ nặn quả táo đỏ.

Người mẹ ở đây không hề nói tới các bạn, thay vào đó mẹ chỉ đặt câu hỏi. Kỹ thuật này ko chỉ giúp 2 bạn tự giải quyết vấn đề, mà con giúp người mẹ hiểu được vấn đề là gì, xét trên quan điểm của các bạn. Nó cũng cho Mai cơ hội thể hiện cảm xúc của mình rất bực vì thường ngày vẫn chia mọi thứ cho Lan mà Lan ko thèm chia lại. “Khác” là một keyword trong kỹ thuật trò chuyện.

Đương nhiên sự thực thì chưa chắc các bạn nhí này sẽ giải quyết theo y sách đâu, nhưng cũng là một phương pháp khá hay để tham khảo và thử áp dụng.

Friday, July 1, 2011

Giới thiệu sách hay: Nói với trẻ như thế nào

Post lại bài viết từ tháng 8/2008.


Đây là một quyển sách mà đọc xong mình hết sức tâm đắc. Đoán thế nào cũng phải có bản gốc tiếng Anh, nhưng trong sách hoàn toàn không có lấy một câu giới thiệu về tác giả. Thật là bực mình, chắc là sách Việt Nam dịch trộm đây mà. Nhưng phải công nhận người dịch (Phạm Anh Tuấn) dịch rất tốt. Mò mẫm trên mạng mất một lúc lâu mới tìm ra nguyên bản tiếng Anh: "How to talk so kids can learn -- at home and in school", tác giả Adele Faber và Elaine Mazlish. Đầu đề tiếng Việt là "Nói với trẻ như thế nào? - Những trải nghiệm thú vị của người "gõ đầu trẻ"", làm sao mà tìm ra đây? Hôm sau mình chạy ra cửa hàng sách, không tìm được quyển này, nhưng lại thấy "How to Talk So Kids Will Listen & Listen So Kids Will Talk", xem qua thấy cấu trúc khá giống nên mua về. Phải nói là mình rất tâm đắc với cả 2 quyển, quyển thứ nhất để áp dụng trong môi trường sư phạm, quyển thứ hai để áp dụng trong gia đình. Cái hay nhất mình thấy là hầu hết tất cả các nguyên tắc được nêu ra đều có thể áp dụng cho bất cứ ai chứ không riêng gì chỉ cho trẻ con. Tóm lược lại các nguyên tắc như sau nhé:

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Trẻ em cần được người khác công nhận và tôn trọng cảm xúc của chúng.
Trẻ: Chỉ có vài lỗi nhỏ mà con bị điểm kém trong bài thi vừa rồi
Người lớn: Không sao đâu, con đừng lo lắng. Lần sau con sẽ làm tốt hơn.

Vậy là người lớn đã gạt bỏ cảm xúc của trẻ rồi. Sau câu nói trên trẻ không những không còn gì để nói thêm mà vẫn giữ trong lòng cảm giác nặng nề vì bị điểm kém kèm với sự lo lắng, thế nhỡ lần sau mình vẫn làm kém thì sao, bố mẹ có mắng mình không?

Thay vì gạt bỏ cảm xúc của trẻ, bạn hãy công nhận nó "Chắc là con thất vọng lắm. Con biết câu trả lời nhưng lại bị mất điểm vì những lỗi nhỏ nhặt". Như vậy là bạn khuyến khích trẻ giãi bày thêm. Hãy lắng nghe tâm sự của trẻ và biểu lộ sự chú ý bằng những câu ngắn gọn như "À", "Ừ", "Thế à", "Mẹ hiểu rồi", ...

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Cách khuyến khích trẻ cộng tác
Người lớn: Ai làm cả cái phòng này bừa bộn như thế này?

Thay vì tra hỏi và chỉ trích, bạn có thể mô tả vấn đề "Mẹ thấy quần áo đồ chơi trên giường và cả dưới đất nữa". Hãy đưa ra thông tin "Quần áo ở dưới đất mà bị giẫm lên thì sẽ nhàu nát và bẩn hết đấy". Hãy đưa ra sự lựa chọn "Con có thể dọn dẹp phòng luôn bây giờ hoặc là để ăn cơm tối xong". Hãy diễn tả cảm xúc của bạn "Mẹ không thích nhìn thấy phòng ngủ bừa bộn đâu".

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Những cách thay cho sự trừng phạt
Người lớn: Mẹ đã bảo là con đừng có chạy lung tung trong siêu thị nữa cơ mà. Tối về mẹ mách với bố bố sẽ phạt con đấy. Con hư như thế tối nay mẹ không cho con xem TV nữa...

Thay vì mắng mỏ và dọa nạt, bạn hãy chỉ ra một cách làm tốt hơn "Hay là con chọn cho mẹ 3 quả chanh thật to nhé". Bạn hãy thể hiện sự không vừa ý của mình (nhưng không đàn áp) "Mẹ rất không vừa lòng. Con chạy đi chạy lại như vậy làm phiền tới mọi người trong siêu thị đấy". Bạn có thể cho trẻ sự lựa chọn "Con chọn đi nhé: một là con ngồi yên trong xe đẩy, hai là con đi lại từ tốn bên cạnh mẹ". Bạn cũng có thể để trẻ lãnh nhận hậu quả của thái độ sai trái ấy "Hôm nay con ở nhà, không đi chợ với mẹ nữa. Con có biết lý do tại sao hay không?"

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Khuyến khích tính tự lập
- Hãy để trẻ tự lựa chọn "Hôm nay con thích mặc áo màu xanh hay áo màu đỏ?".
- Đừng quá nhanh chóng trả lời tất cả các câu hỏi của trẻ "Câu hỏi của con hay đấy. Thế con thì nghĩ thế nào?"
- Khuyến khích trẻ tìm sự giúp đỡ từ bên ngoài "Hay là con thử hỏi bác nha sĩ xem bác ấy bảo sao về chuyện nhai kẹo cao su"

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Cách khen ngợi trẻ
Trẻ: Mẹ ơi, con làm thơ về cái tàu hỏa này, mẹ thấy có hay không?
Người lớn: Hay quá! Con sẽ trở thành nhà thơ nổi tiếng đấy!

Thay vì đánh giá, bạn hãy mô tả điều bạn thấy hoặc nghe "Con diễn tả được nhịp điệu xình xịch của tàu hỏa, biết dùng từ vần hợp với nhau"; hãy mô tả cảm xúc của bạn "Bài thơ khiến mẹ có cảm tưởng đang ngồi trên tàu hỏa đi qua khu rừng xanh"

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Cách phê bình trẻ
Người lớn: Con viết sai lỗi chính tả rồi. Con phải cẩn thận chứ.

Thay vì chê trách, bạn hãy chỉ ra điều cần phải làm "bài thơ của con chỉ cần sửa lỗi chính tả từ "toa se" và "hàng háo" là có thể đăng trên báo tường rồi"

-----------------------------------------------------------------------------------

*** Giải phóng trẻ khỏi những ấn tượng do người khác áp đặt
Người lớn: Con là "con vẹt", không ai tranh nói kịp với con cả.

Thay vì gây ấn tượng, bạn hãy tìm cơ hội giúp trẻ thấy khía cạnh tốt đẹp của mình "Dù con còn nhiều điều muốn nói nhưng con biết ngưng lại để nhường cho người khác, vậy là con biết cách tự chủ đấy". Bạn hãy đặt trẻ vào tình huống khách quan để trẻ nhìn rõ về mình "Mẹ muốn con làm người điều khiển chương trình và giúp mọi người có cơ hội phát biểu nhé". Bạn hãy để trẻ nghe bạn nói tốt về trẻ "Tâm có nhiều ý kiến hay lắm nên khó mà im lặng được, thế mà chú thấy bạn ấy vẫn giữ im lặng đấy!"

*******************************************************************************
Trên đây chỉ là một số rất ít mẫu các cách xử lý tình huống thôi. Những quyển như thế này phải đọc đi đọc lại mới nhớ mà thực hành được.