Thursday, July 14, 2011

“How to teach your baby to read” – why this book touched me


Bình thường chắc là mẹ mìn nhà tớ chẳng khi nào bỏ thời gian ra viết kể lại một câu chuyện như thế này, nhưng đây là một trường hợp ngoại lệ. Tớ có một người bạn, cháu ngoại cô ấy năm nay gần 3 tuổi, nhưng khi được 1 tháng rưỡi tuổi thì bị xuất huyết não rất nặng tưởng ko qua khỏi. Sau lần đó bé bị di chứng dẫn tới tổn thương não nặng nề. Quyển sách này làm tớ liên tục nhớ đến bé và quyết tâm phải viết. Tóm tắt dưới đây thực ra không phải là ý chính của quyển sách là việc dạy trẻ con đọc sớm, mà là tiền đề vì sao phương pháp này ra đời. Chia sẻ với mọi người trích đoạn lá thư gửi bà ngoại bé.



Cháu mới đọc một quyển sách tựa đề “How to teach your baby to read?” của tác giả Glenn Doman. Mục tiêu chính của quyển sách là dạy trẻ em biết đọc sớm, 1 tuổi có thể nhận biết từ, 2 tuổi đọc được câu và 3 tuổi đọc được cả một câu chuyện đơn giản. Nhưng cái tiền đề của quyển sách này làm cháu nghĩ rất nhiều tới bé nhà cô, và định rằng đọc xong cháu phải viết thư cho cô ngay khi mà cháu vẫn còn nhớ nhiều các tình tiết của sách.

Sách được viết từ đầu những năm 80, là kết quả của một quá trình thực nghiệm gần 20 năm. Một nhóm gồm có các bác sĩ nhi khoa, bác sĩ phẫu thuật thần kinh, chuyên gia vật lý trị liệu, chuyên gia ngôn ngữ (speech therapist), bác sĩ tâm lý, y tá và chuyên gia về giáo dục. Ban đầu nhóm được hình thành để giúp và điều trị cho trẻ em bị chấn thương não rất nặng (brain injured). Họ cho rằng hoàn cảnh bị chấn thương (khi còn trong bụng mẹ, hay trong quá trình sinh nở, hay sau khi đã chào đời) hoàn toàn không có sự khác biệt gì. Có thể so sánh như một câu hỏi là tai nạn xảy ra vào buổi sáng, buổi chiều, hay buổi tối vậy. Đại đa số các chuyên gia đều cho rằng những đứa trẻ với bộ não tổn thương như vậy đều coi như không còn hy vọng gì, thậm chí chỉ sống với một đời sống thực vật mà không hề biết đến những sự việc xung quanh. Một trong những bệnh nhân đầu tiên, cậu bé Tommy, đã thay đổi toàn bộ cách suy nghĩ của họ.

Khi sinh ra, bộ não của Tommy đã bị tổn thương nặng nề. Ngày cậu bé tròn 2 tuổi, một bác sĩ của một bệnh viện có tiếng ở New Jersey đã nói với bố mẹ cậu rằng, cậu bé không có một hy vọng nào có thể biết đi và biết nói cả. Bố mẹ Tommy không chịu đầu hàng với số phận, luôn tâm niệm rằng có thể Tommy không biết nói nhưng ánh mắt tinh anh của con nói lên tất cả. Tuy nhiên mãi tới khi Tommy 3 tuổi, bố mẹ cậu mới tìm được một bác sĩ chấp nhận điều trị cho cậu. Người bác sĩ này chính là một thành viên của nhóm chuyên gia nói trên. Lúc này, cậu bé hoàn toàn không tự cử động được và không nói được. Với sự giúp đỡ tận tình của bác sĩ và nỗ lực không ngừng nghỉ của bố mẹ cậu, sau 2 tháng, Tommy bắt đầu biết trườn. Ba tuổi rưỡi, cậu bé biết kết hợp cả bàn tay và đầu gối để bò và biết nói hai từ “bố” và “mẹ”. Khi đó, mẹ cậu lần đầu tiên mua cho cậu một quyển sách dạy chữ cái với những hình ảnh sặc sỡ. Trong lần khám tổng thể khi Tommy 4 tuổi, mẹ cậu tự hào thông báo với chúng tôi rằng cậu đã biết đọc hết các từ trong quyển sách đó. Nhóm chuyên gia hầu như không hề để ý tới điều đó, vì họ chỉ quan tâm và chú trọng tới việc phát triển thể chất và luyện cho Tommy biết nói. Bốn tuổi 2 tháng, bố cậu khoe với họ, Tommy có thể đọc được cả quyển Green Eggs and Ham của Dr. Seuss. Họ chỉ mỉm cười lịch sự và nghĩ rằng, cha mẹ nào chẳng tự hào về con mình. Khi Tommy 5 tuổi, bố cậu lại thông báo với các chuyên gia rằng, cậu đã có thể đọc hết cả một tờ tạp chí dành cho người lớn. Nhưng lần này, ông quyết tâm chứng minh bằng được là Tommy biết đọc. Ông viết lên giấy một câu, Tommy đọc được cả câu dưới sự kinh ngạc của các chuyên gia. Tiếp theo, ông viết thêm câu thứ hai, rất dài và hài hước. Cậu bé mới đọc được 3 từ đầu tiên đã phá lên cười. Điều này chứng tỏ rằng bộ não của Tommy làm việc nhanh hơn nhiều so với phản xạ nói của cậu. Tommy đã đánh dấu một mốc vô cùng quan trọng trong công cuộc điều trị trẻ em chậm phát triển của nhóm.

Từ trường hợp của Tommy, sau những bài kiểm tra thấy rằng cậu bé 5 tuổi này có khả năng đọc ngang với một đứa trẻ bình thường 11 tuổi, các nhà chuyên gia khi đó tự ra câu hỏi cho mình, tại sao những đứa trẻ khỏe mạnh mà cũng chỉ có trình độ được chừng đó, thậm chí còn kém hơn? Từ đó, họ tập trung vào việc nghiên cứu các phương pháp để kích thích bộ não (dù bị tổn thương hay khỏe mạnh) để trẻ em có thể đạt được những việc mà ở lứa tuổi đó vốn được coi là hiện tượng thần đồng. Về sau này, khi y học tiến bộ hơn, đối với những đứa trẻ có một nửa bán cầu não hoàn toàn tê liệt, người ta có thể tiến hành những ca phẫu thuật để cắt bỏ phần não chết này, tạo điều kiện cho phần não còn lại làm chủ toàn bộ hệ thống thần kinh (hemispherectomy). Nhưng ngay cả khi đó, nhưng nghiên cứu của nhóm chuyên gia trên cho thấy, những đứa trẻ đã trải qua phẫu thuật não và những đứa trẻ có bộ não tổn thương mà không được phẫu thuật nhưng được cha mẹ áp dụng những phương pháp kích thích hệ thần kinh, đều có chỉ số thông minh và khả năng đọc hiểu ngang bằng, thậm chí hơn những trẻ mạnh khỏe bình thường nhưng không được dạy bằng phương pháp đặc biệt nào cả.

Mục đích chính của quyển sách này là để khuyến khích các bậc phụ huynh dạy con từ sớm vì bộ não một đứa trẻ con 1-2 tuổi có thể hấp thụ được rất rất nhiều kiến thức so với trẻ 5-6 tuổi. Nhưng để hình thành được phương pháp này họ đã trải nghiệm qua những đứa trẻ bị chấn thương não, và vì vậy cháu nghĩ rằng, chắc chắn có một cách nào đó để giúp được Bống cô ạ. Ngoài việc theo vật lý trị liệu và phục hồi chức năng của các bác sĩ ở VN, nếu cô có thời gian, cháu nghĩ là có rất nhiều sách vở mình có thể tham khảo thêm được để áp dụng bổ xung thêm. Việc này chắc chắn không có gì hại, chỉ cần lòng kiên trì. Cháu đang muốn áp dụng thử để dạy Ly nhà cháu đọc tiếng Việt. Nếu cô tìm được sách hay có thể áp dụng được cho bé, cô nói với cháu cháu sẽ mua và gửi về cho cô. Cháu thấy tìm sách trên amazon là hay nhất, vì hệ thống review của họ rất tốt, mình có thể ước chừng được là sách có hay không rồi mới quyết định mua.

Thư của cháu viết dài quá bắt cô phải đọc. Nhưng thực sự là cháu rất mong muốn có thể làm được gì đó cho bé, ít ra cũng là niềm hy vọng.



Glenn Doman cũng là người sáng lập ra viện tên tiếng Anh là The Institutes for the Achievement of Human Potential. Hiện giờ là con trai của ông ấy là người giảng dạy thì phải. Đương nhiên cũng có những ý kiến trái chiều khác nhau, công kích phương pháp Doman, nhưng tớ nghĩ là cũng đáng để tìm hiểu. Tuần sau, chính xác là ngày 25/7, ở Singapore có một khóa học của viện "What to do about your brain injured child?" (đây cũng là tên của một quyển sách do Glenn Doman viết). Đây là website của viện đó, trong đó có khá nhiều video về những đứa trẻ bị chấn thương não đã khá lên ntn sau những khóa điều trị. http://www.iahp.org/

Cập nhật: Tớ gửi thư trực tiếp hỏi giá của khóa học tại Sing là bao nhiêu thì tại thời điểm ngày 18/7/2011, một người là $1095 USD, hai người là $1725 USD.  Tuy nhiên tại Sing họ tính thêm tiền phí bổ xung vì người hướng dẫn cũng phải tới đó, giá phụ thêm là $1000 SGD một người.  Ngoài ra, họ yêu cầu trước khi tham dự khóa học phải đọc hết quyển What To Do About Your Brain-Injured Child cũng của Glenn Doman.  Nói chung là đắt đỏ, không phải ai cũng có khả năng theo :(